Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi tìm đến ngôi chùa Long Hưng (tên gọi khác là chùa Tổ Đỉa) ở phường Tân Định, TX Bến Cát, Bình Dương. Đây là ngôi chùa được người dân nhắc đến với nhiều điều huyền bí, nguyên nhân ra đời và tồn tại suốt 253 năm qua.
Theo sổ sách ghi chép lại của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, dù chùa được đổi thành tên Long Hưng nhưng người dân vẫn quen gọi tên cũ là chùa Tổ Đỉa. Chùa được khởi tạo vào năm 1768 trên diện tích hơn 12.000m2. Trải qua sự biến thiên của thời gian, ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo lại khang trang nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Năm 2005, chùa Tổ Đỉa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bính (80 tuổi, ngụ phường Tân Định, TX Bến Cát) cho biết sở dĩ chùa có tên là Tổ Đỉa vì tương truyền rằng, cách đây hơn 250 năm vùng đất Tân Định là đầm lầy hoang vu, đất đai rộng lớn nhưng có rất nhiều đỉa nên dân tình không dám khai hoang canh tác. Đỉa nhiều đến mức không ai dám bỏ chân xuống nước.
Lúc bấy giờ, vị thiền sư Thích Thiện Hiếu đến đây tu hành. Thiền sư Thích Thiện Hiếu xuất gia tu học tại quận Thủ Đức – Sài Gòn, ngài khai sơn chùa Linh Sơn ở tỉnh Tây Ninh rồi đi tứ xứ truyền đạo. Sau đó, thầy về lại vùng đất huyện Bến Cát nay là TX Bến Cát, Bình Dương. Tại đây, dưới gốc cây trâm, ngài đã lập một am nhỏ tu hành. Trước am là vùng đầm lầy mênh mông, đất đai phì nhiêu nhưng người dân không dám đến khai phá vì đỉa nơi đây rất nhiều.
Khi hay tin, người dân đến khẩn thiết mong thầy niệm chú xua đuổi lũ đỉa đi. Thương dân, ngài đã hứa sẽ dùng thân mình cho đỉa hút máu, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân. Sau lời phát nguyện, vị sư chắp tay ngồi bất động giữa đồng nước hiến thân xác cho bầy đỉa tự do bu bám.
Theo sử chùa ghi chép lại, có hàng ngàn con đỉa bâu đến cắn nhưng ngài vẫn ngồi im. Trong bầy đỉa xuất hiện một con rất to, toàn thân màu trắng (đỉa chúa) không chịu cắn phía dưới mà bò lên tận đầu ngài để hút máu. Ngài vẫn thiền định, chỉ tụng niệm thần chú.
Trong chốc lát, con đỉa chúa bỗng dưng lăn ra chết, những con khác cũng chết theo. Tuy nhiên sau đó vị sư cũng viên tịch. Điều kì lạ rằng, từ sau ngày hôm đó, vùng đồng ruộng nơi đây không còn bất kì con đỉa nào nữa. Từ đây, người dân yên ổn khai phá vùng đất màu mỡ cho đến bây giờ.
Để tỏ lòng nhớ ơn vị thiền sư, dân làng quyên góp lập ra chùa thờ tự ông, dân gian gọi là chùa Tổ Đỉa. Ngôi chùa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đối với người dân địa phương mà còn là nơi ghi dấu lịch sử khai hoang mở đất của người dân trong vùng.
Tại chùa này, trên hai bia lớn ghi rõ trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, Mỹ cứu nước, ngôi cổ tự cũng là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Một trong những bảo vật độc đáo tại chùa được bảo vệ bởi lớp kính là ụ mối có hình quan âm an toạ trên tòa sen. Trong khuôn viên chùa có nhiều tượng lạ thân người nhưng mặt thú.