Anh Hà Văn Trọng – Trưởng bản Vặt, xã Mường Sang. Ảnh: TG
Huyền tích về 7 hòm kiếm cổ và nhiều bạc vàng
Trời ngả bóng xế chiều cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến bản Vặt, xã Mường Sang. Bản Vặt từ lâu đã nổi tiếng khắp đất Tây Bắc vì nơi đây có một con người nổi tiếng hào hoa, nghĩa hiệp thương dân. Đó là cụ Sa Văn Minh, Chủ tịch Khu tự trị Thái Mèo năm nào. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn một trăm nóc nhà của người Thái, nằm yên bình phía sau rừng già.
Trưởng bản Hà Văn Trọng tiếp đón phóng viên niềm nở rồi cho biết, ông nội mình cũng đã từng là người nắm khá rõ về sự tích kho báu của dòng họ Sa tại Mường Sang được cất giấu như thế nào. Nhưng do trầm tích của thời gian, ông nội cùng những cụ cao niên qua đời khiến tung tích của kho báu năm xưa cũng dần phai nhạt. Các cụ cao niên trong bản kể lại, hồi những năm đầu thế kỷ XX khi đất nước vẫn bị thực dân Pháp đô hộ, tại bản Vặt có cụ Sa Văn Minh làm quan lang cai trị cả vùng Mường Sang. Là người có học vấn uyên bác lại hết mực thương dân, ông được bà con dân chúng kính trọng.
Thấu hiểu nỗi thống khổ mà người dân phải gánh chịu dưới sự áp bức, chèn ép của giặc Pháp, ông vẫn kiên định lập trường và đứng về phía lợi ích của nhân dân, bất chấp quân giặc vẫn ngày đêm dụ dỗ, lôi kéo. Khi diễn ra cuộc Cách mạng tháng 8/1945, cụ Sa Văn Minh đã sớm giác ngộ lý tưởng và đi theo tiếng gọi của cách mạng.
Trước khi chuyển lên chiến khu Việt Bắc cùng với gia đình để làm cách mạng, cụ Minh đã tiến hành một cuộc cất giấu bí ẩn các đồ đạc, của cải quý giá mà dòng họ lưu giữ, quyết không để lọt vào tay giặc Pháp dù chỉ một cắc bạc trắng.
Là người con gái của dòng họ Sa năm xưa, bà Sa Thị Lan (70 tuổi) – mẹ của Trưởng bản Hà Văn Trọng cho biết: “Sự tích về cuộc cất giấu vàng bạc, tiền của năm xưa của cụ Sa Văn Minh là có thật. Nhưng khi đó còn quá nhỏ nên tôi không thể biết được chính xác mà chỉ được nghe các bậc cao niên trong bản kể lại mà thôi”.
Theo trí nhớ của bà, tất cả vàng bạc, tiền của hay các vật dụng quý giá của dòng họ được đóng vào các chum, vại lớn. Khi ấy cụ Minh đã huy động hàng chục trai bản khỏe mạnh vận chuyển ngày đêm lên ngọn núi cạnh đó cất giấu. Do số lượng nhiều nên phải mất tới hàng tuần trời mới thực hiện xong cuộc cất giấu kỳ lạ này.
Bà Lan kể, cụ Vì Thị Súa (vợ thứ ba của ông Sa Đức Hiền - em trai của ông Sa Văn Minh) khi còn sống xác nhận là, năm đó những người giúp việc đã chuyển đi 7 hòm kiếm (khoảng 100 cái kiếm). Đây là những thanh kiếm cổ, chuôi kiếm được làm bằng ngà voi và bịt vàng, bịt bạc. Ngoài ra còn vô số bạc trắng, vàng được cho vào hũ sành bịt lại mang chôn. Cùng chuyển đi có các loại đồ cổ, trong đó có nhiều nồi đồng 6 tai, 12 tai…
Đào đá va phải hũ sành trong kho báu?
Giờ đây, những bí ẩn về kho báu của dòng họ Sa đến nay vẫn chưa thể giải mã. Ảnh: TG
Sau khi miền Bắc được giải phóng, năm 1958, cụ Sa Văn Minh đã đột ngột qua đời trong một chuyến đi công tác ở Trung Quốc vì đau tim. Tương truyền, con đường chỉ tới nơi cất giấu kho báu đã được cụ Minh vẽ thành sơ đồ trong một cuốn sổ nhỏ và luôn mang theo bên mình. Đến nay, không ai biết cuốn sổ bản đồ ấy lưu lạc nơi đâu. Chuyện cũ bất ngờ nóng trở lại khi một người dân phát hiện những dấu vết của số kho báu khổng lồ trên ở cánh rừng già đất Mường Sang.
Ông Lò Văn Hoan, một hộ dân sống ở bản Vặt trước đây được coi là người may mắn nhất của bản. Gia đình ông nghèo khó quanh năm, hằng ngày lo được 3 bữa ăn đã là niềm hạnh phúc lắm. Thế rồi, một hôm ông thuê đám thợ lên đào đá ở núi Độc Lập sau bản. Tốp thợ đang làm bỗng khựng lại khi va phải một hũ sành. Họ chưa kịp đoán xem trong hũ sành đó có gì thì ông Hoan đến. Ông bảo đám thợ: “Cái hũ sành không, có cái gì đâu mà xem. Làm việc đi”.
Vốn là người đã từng nghe nhiều câu chuyện về kho báu được chôn trên núi nên ông Hoan hiểu được phía trong hũ sành kia có thể có cái gì. Hết giờ làm việc, ông nhanh chóng ôm hũ sành chạy một mạch về nhà. Bẵng đi vài hôm, câu chuyện ông Hoan ôm được hũ bạc về nhà đã lan nhanh ra khắp bản. Mọi người có đến nhà hỏi xem ông để cái hũ đó ở đâu, ông Hoan chỉ và bảo rằng, tôi đã vứt nó xuống ao rồi.
Hy vọng cuối cùng
Bà Sa Thị Thênh kể về hành trình cất giấu kho báu của dòng họ Sa năm xưa. Ảnh: TG
Bà Sa Thị Thênh (69 tuổi) – nguyên cán bộ y tế huyện Mộc Châu cũng xác nhận với phóng viên: Câu chuyện về kho báu khổng lồ của dòng họ Sa bà đã được bố mẹ lúc còn sống kể cho nghe quá trình cất giấu tài sản. Người phụ nữ Thái này giới thiệu cho chúng tôi đến gặp con trai của cụ Minh là ông Sa Thư. Ông Thư năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi.
Vượt qua những con dốc quanh co dựng đứng, chúng tôi tìm đến nhà con trai Chủ tịch Khu tự trị Thái Mèo năm nào. Vẻ mặt trĩu nặng suy tư càng hiện rõ hơn khi được chúng tôi hỏi lại về chuyện tìm lại kho báu của dòng họ mình. Là lớp người lớn lên trên chiến khu Việt Bắc sau khi theo cha mẹ đi hoạt động cách mạng từ lúc còn sơ sinh, nên những ký ức về nơi quê hương xứ sở Mường Sang trong ông đọng lại khá ít. Lại cộng thêm việc bố ông là cụ Minh qua đời đột ngột vì đau tim nên câu chuyện về kho báu năm xưa của dòng họ Sa càng chìm vào quên lãng. Tản cư tới tận năm 1992, ông mới trở về Mộc Châu sinh sống và công tác. Cơ duyên với những manh mối về kho báu kia một lần nữa được xuất hiện sau khi có một thầy giáo người Kinh giỏi tiếng Hán lên dạy học tại xã Chiềng Khoa.
Thế rồi trong một lần tới chơi với một ông cụ người Dao ở bản tên là Bàn Văn Hán, một trong số cộng sự của cụ Sa Văn Minh năm xưa, manh mối mới dần hé lộ. Vốn quý người lại tôn trọng người có học, cụ Hán đã cho thầy giáo người Kinh này xem một cuốn sổ được ghi bằng chữ Hán.
Cụ Hán bộc bạch rằng, đây là cuốn sổ mà lúc còn sống cụ Sa Văn Minh đã gửi gắm cho mình cầm hộ và dặn khi nào có con cháu dòng họ Sa ở Mường Sang tới nhận thì trao trả lại cho họ. Và như định mệnh, chính người thầy giáo ấy đã lặn lội tìm tới tận nhà của hậu duệ của cụ Minh ở Mường Sang để kể lại câu chuyện đó.
Biết tin này, ông Sa Thư cùng với dòng họ đã bàn kế hoạch và cử ông Sa Cương – một người trong họ lên đường tới bản của ông cụ người Dao - bạn chiến đấu với cụ Minh trước đây để xin lại cuốn sổ đó. Tiếc thay, đến nơi thì được tin cụ Hán đã khuất núi. Mọi thông tin nay cũng theo về nơi cát bụi. Vậy là những tung tích về kho báu của dòng họ Sa ở Mường Sang chỉ còn là giai thoại. Giờ đây, các cụ cao niên trong bản chỉ biết kể lại cho hậu thế nghe để lấy đó là niềm tự hào về dòng họ Sa nức tiếng một thời...