Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với một số doanh nghiệp Dược.
Tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT rất lớn
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, trong những năm qua BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để hoàn thiện chính sách pháp luật về khám chữa bệnh, trong đó có thuốc. Đây là nỗ lực nhằm tăng cường tiếp cận thuốc mới, phát triển ngành công nghiệp dược sản xuất thuốc trong nước, giảm giá thuốc, qua đó góp phần giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Ông Phạm Lương Sơn cho biết thêm, hiện nay, BHXH cũng đang hoàn thiện bước cuối cùng để thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia đối với thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chi phí thuốc vẫn chiếm phần lớn trong tổng chi khám chữa bệnh BHYT. Tỉ lệ chi thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT nói riêng đều cao hơn các nước khác.
Cụ thể, tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT năm 2015 khoảng 25.000 tỉ đồng (chiếm 47% tổng chi phí); năm 2016 là trên 32.000 tỉ đồng (43%) và 6 tháng đầu năm 2017 là khoảng 17.000 tỉ đồng (40%). Vì vậy, tác động của chính sách và quá trình mua sắm, lựa chọn sử dụng đối với chi tiêu về thuốc trong chi phí khám chữa bệnh BHYT với chi tiêu tiền túi của người dân cũng như cân đối quỹ BHYT là rất lớn.
Bên cạnh đó, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức việc lựa chọn, kiểm soát, sử dụng thuốc như: tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc còn cao, tình trạng lạm dụng thuốc đang diễn ra khá phổ biến, nhất là các nguồn thuốc bổ trợ, acid amin và đạm truyền; tình trạng kháng kháng sinh, lãng phí nguồn lực trong sử dụng thuốc... Nguyên nhân được đánh giá là do danh mục thuốc quá rộng, ghi chép thông tin trong đấu thầu thuốc còn chưa đúng, việc lựa chọn xây dựng danh mục thuốc, giá kế hoạch chưa thật phù hợp, việc thanh toán chi phí thuốc còn chưa kịp thời, tạo thêm áp lực về lãi suất lên giá gốc...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam mong muốn, các đại biểu tham gia hội nghị, đặc biệt là các doanh nghiệp Dược thẳng thắn chia sẻ, phán ảnh thực tế trong hoạt động đấu thầu thuốc; đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc; đề xuất xây dựng sửa đổi chính sách như xây dựng danh mục thuốc, đấu thầu thuốc; cung ứng thuốc đối với gói thầu tập trung quốc gia; sử dụng thuốc an toàn hợp lý, hiệu quả và phù hợp với khả năng chi trả trong điều kiện nguồn lực có thể theo quy định của Luật Dược (sửa đổi) và Luật BHYT (sửa đổi) cũng như chiến lược thuốc quốc gia Việt Nam.
Tháo dỡ những rào cản vô lý
Trong không khí cởi mở của hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam Trần Đức Chính đánh giá cao thiện chí của BHXH Việt Nam khi thực hiện kí kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa BHXH Việt Nam. Ông Chính cho rằng, hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp Dược trong nước có cơ hội đối thoại, nêu ra những khó khăn, vướng mắc để từ đó tìm ra được hướng giải quyết phù hợp. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp Dược cũng thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp Dược đang gặp phải. Thị phần của doanh nghiệp Dược trong nước yếu và thiếu về mọi mặt so với các doanh nghiệp nước ngoài cả về số lượng và giá trị trong chi phí thuốc. Bên cạnh đó, các thủ tục, quy định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm nhà thầu, khả năng cung ứng thuốc... cũng đang làm khó các doanh nghiệp Dược trong nước.
Các điều khoản quy định trong các hợp đồng đấu thầu thuốc chưa công bằng, chủ yếu quy trách nhiệm cho bên cung ứng. Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp trong cung ứng, hồ sơ thanh toán phức tạp khiến cho doanh nghiệp Dược bị chậm thanh toán.
Các doanh nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị như: Cần công khai, minh bạch về mặt luật pháp; tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp Dược cạnh tranh công bằng, không tạo ra những rào cản vô lý trong đấu thầu thuốc, điều kiện các doanh nghiệp được tham gia đấu thầu, danh mục hoạt chất rõ ràng; có chế tài phù hợp trong đấu thầu thuốc. Bên cạnh đó mở diễn đàn công khai cho các DN Dược được nói lên tiếng nói của mình đến các cơ quan đơn vị liên quan.
Lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp Dược trong nước, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định sẽ tập hợp các kiến nghị, giải đáp và tháo gỡ băn khoăn của doanh trong khả năng và trách nhiệm của mình. Những vấn đề vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách cũng sẽ được tập hợp, kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp Dược Việt Nam trước khi chờ sự tháo gỡ từ bên ngoài, các DN Dược Việt Nam cần chủ động, nhạy bén và nâng cao chất lượng, uy tín để cạnh tranh tham gia vào thị trường cung ứng thuốc BHYT một cách hiệu quả.
Tỉ lệ chi thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT nói riêng đều cao hơn các nước khác. Cụ thể, tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT năm 2015 khoảng 25.000 tỉ đồng (chiếm 47% tổng chi phí); năm 2016 là trên 32.000 tỉ đồng (43%) và 6 tháng đầu năm 2017 là khoảng 17.000 tỉ đồng (40%).