> Dấu hiệu sai sót tố tụng vụ 'bác sỹ truyền nhầm máu'
Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây - Hà Nội, nơi phẫu thuật cho chị Nguyễn Thị Loan vào ngày 22/10. |
Đêm 22/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan (22 tuổi, trú xã Phú Thịnh - Sơn Tây) được các bác sĩ phẫu thuật cắt tử cung vì bị bệnh rau tiền đạo. Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu nên cần phải truyền bổ sung.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây truyền cho chị Loan tổng cộng 17 bịch máu (250ml/ bịch), trong đó: 7 bịch do người nhà cho máu, 4 bịch của bệnh viện Sơn Tây và 6 bịch lấy từ bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện 105.
Khi đang tiến hành truyền máu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch do đông máu nên chuyển chị lên Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Loan bị đông máu nghi do truyền nhầm nhóm máu nên đã chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.
Sự việc đã khiến cho người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến vây bệnh viện đa khoa Sơn Tây yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện phải giải thích rõ và có trách nhiệm với sai phạm của mình.
Ngày 29/10, một bác sĩ ở khoa Xét nghiêm - Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: "Sản phụ Nguyễn Thị Loan được truyền tổng cộng 17 bịch máu, trong đó có 6 bịch máu lấy từ bệnh viện khác đến nhưng chưa được kiểm duyệt xem có phản ứng với máu của bệnh nhân không. Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Hà Nội cũng cử đại diện xuống bệnh viện".
Ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ Bệnh viện Sơn Tây là người trực tiếp ký truyền máu cho chị Loan mà không qua xét nghiệm. |
Nguồn tin riêng của phóng viên tại bệnh viện Bạch Mai xác nhận: "Ngày 22/10, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi chuyển từ bệnh viên Phụ sản Trung ương sang trong tình trạng nguy kịch. Trong giấy chuyển viện có ghi nghi ngờ do truyền nhầm nhóm máu từ tuyến dưới chuyển lên. Qua thời gian cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn chuyên môn".
Ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: "Sự việc này trước tiên liên quan những người trực tiếp tham gia, đặc biệt là người xác định nhóm máu và người thực hiện truyền máu".
Theo quy định, việc kiểm tra nhóm máu để phát cho bệnh nhân trải qua 2 phương pháp là huyết thành mẫu và hồng cầu mẫu. Nhưng hóa chất dùng để xét nghiệm hồng cầu mẫu ở bệnh viện đa khoa Sơn Tây đã hết từ ngày 21/9 nên trong hơn 1 tháng trở lại đây Khoa Xét nghiệm chỉ sử dụng 1 phương pháp huyết thành mẫu để xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân Nguyễn Thị Loan.
Theo Việt Thành
Đất Việt