Bệnh suy diễn

Bệnh suy diễn
TP - Người Việt ta, nhiều người chỉ thích suy diễn thành ra thiếu thực tế, duy ý chí, ngộ nhận, tưởng là chân lý hóa ra ngụy lý, tưởng đi nhanh hóa ra chậm, thậm chí thụt lùi. 

Trước Sea Games mới rồi, những người thích suy diễn  (NTSD) làm rùm beng chưa bao giờ cơ hội vô địch U23 Việt Nam lớn như lần này. Đến giờ đã thấy rõ nhận định ấy xa thực tế một trời một vực!

NTSD đưa ra nhận định: Đến năm này, ta đuổi kịp nước này, đến năm kia, ta đuổi kịp nước kia. Tất cả chỉ dựa trên cái tiêu chí GDP. Thực ra GDP chỉ nói lên một khía cạnh của đời sống xã hội.  Điều quan trọng hơn là đa số quần chúng nhân dân, mỗi người được hưởng bao nhiêu từ cái GDP ấy và môi trường sống có bị tàn phá không; phúc lợi xã hội có đảm bảo không.

NTSD rất ngại đi vào những tiêu chí cụ thể, như đến ngày này tháng này năm này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hết tắc đường sáng trưa chiều, nước ta tự chế tạo ô tô, máy bay, số bác sỹ, tiến sỹ trên một nghìn dân là ngần này, ngần này... Bởi muốn vậy, lại phải nghiên cứu thực tế, dựa trên những số liệu cụ thể, có thật, mới chính xác được.

Để kết tội một ai đó, luật pháp nghiêm cấm việc suy diễn. Muốn bắt giam, đưa một người ra tòa, phải đủ chứng cứ thu thập theo đúng các quy định chặt chẽ của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ở nhiều nước, để chống bệnh suy diễn, chỉ cần một chứng cứ thu thập sai luật, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải hủy toàn bộ hồ sơ, tuyên bị cáo không phạm tội.

Còn ở ta thì  rất nhiều vụ án có sai sót tố tụng, chuyện quá thời hiệu điều tra, truy tố không phải là hiếm. Ra tòa, các luật sư cố gắng vạch ra, cố gắng chứng minh các chứng cứ không đủ độ tin cậy về pháp lý. NTSD nghe xong, chỉ phán một câu xanh rờn “tuy có sai sót song không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án”.

Làng báo ta, cũng do suy diễn mà lắm chuyện cười ra nước mắt. Một đồng nghiệp kể, anh ta đến huyện N. điều tra một vụ việc đang nổi cộm. Sau khi bài đăng, về lại huyện N., anh ta bất ngờ bị ông Trưởng công an xã tìm đến quát: “Vì sao anh viết tôi nói giọng hồi hộp? Đúng tôi nói thế đấy, lúc ấy anh ghi âm, tôi cãi thế nào được. Nhưng tôi nói giọng bình thường, sao dám viết là hồi hộp, hả?!”.

Vụ “kiện” của ông Trưởng công an xã nghe chừng tủn mủn quá, song cũng phải thấy bạn tôi đã có chút suy diễn khi viết. Hồi hộp hay không hồi hộp, tâm trạng của ai người đó biết, mình không phải họ mà đi khẳng định, rõ ràng là suy diễn (chưa kể bỏ cái chi tiết ấy khỏi bài cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nội dung).

Bệnh thích suy diễn chữa thế nào? Chuyện này được nói mãi rồi. Thực tiễn phải là thước đo chân lý. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Đã có một thời, đồng chí Tổng Bí thư đứng ra làm gương, trực tiếp viết bài cho chuyên mục “Nói và làm”.

Các nhà báo chúng ta và đông đảo người dân vẫn ghi nhận, chính thời kỳ ấy báo chí đã xuất hiện hàng loạt phóng sự hay, được bạn đọc hết sức hoan nghênh, những vấn đề báo chí nêu được các cơ quan hữu trách tiếp thu, giải quyết nhanh, báo chí thời gian ấy đã đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới.

MỚI - NÓNG