Bệnh nhân phong bị bỏ đói vì bếp hết gas

Cụ Vũ Thị Bớt đau khổ vì không thể tự sinh hoạt nay lại bị bỏ đói
Cụ Vũ Thị Bớt đau khổ vì không thể tự sinh hoạt nay lại bị bỏ đói
TPO - Một số y tá phản ánh việc 21 bệnh nhân phong nặng, không thể tự sinh hoạt, bị bỏ đói ở Trung tâm Da liễu Hà Đông (Hà Nội). Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kết luận, việc này có thật.

Theo phản ánh của một y tá đang làm việc tại Khoa Điều trị nội trú, Trung tâm Da liễu Hà Đông (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội): “Khoảng 9h40 ngày 4-5, khi tôi đi thăm khám cho 21 bệnh nhân mắc bệnh phong, thuộc loại tàn phế nặng của khoa, diện chăm sóc hoàn toàn, thì phát hiện bệnh nhân kêu khóc vì không có cơm ăn.

Tìm hiểu sự việc, tôi được biết, sáng 4-5, số bệnh nhân này được các hộ lý của khoa phát cho mỗi người một suất gạo đủ dùng trong hai bữa trưa và tối, 4 - 5 miếng thịt sống, một ít rau để bệnh nhân tự xoay sở với lý do hết chất đốt, họ không thể đun nấu được”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khoa điều trị nội trú có tổng cộng 91 bệnh nhân phong đang được điều trị. Trong đó, 70 người còn khả năng tự sinh hoạt được phân sang một khu, còn 21 bệnh nhân mắc bệnh nặng, không còn khả năng tự sinh hoạt, thuộc diện được chăm sóc hoàn toàn, phân sang khu riêng.

Khu điều trị của 21 bệnh nhân nặng gồm nhiều phòng nhỏ (mỗi căn rộng khoảng 6 - 7 m2, dành cho hai bệnh nhân và đồ đạc cá nhân. Phần gạo cùng những thực phẩm sống như thịt và rau do các hộ lý phát sáng 4-5 vẫn còn nguyên, để ở một góc, do bệnh nhân không thể nấu nướng.

Cụ Vũ Thị Bớt (89 tuổi, trú tại xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội )– một trong số những bệnh nhân bị đói nghẹn ngào: “Sáng 4-5, tôi được các hộ lý mang đến phòng một phần gạo đủ nấu hai bữa sáng và chiều, một vài miếng thịt sống cùng ít rau. Thấy lạ, tôi hỏi thì các cô ấy trả lời hết gas rồi không nấu được, nên phát đồ sống cho chúng tôi, làm thế nào thì tùy".

"Tay chân tôi bị ăn hết, không tự nấu được. Sáng nay, tôi đành nhờ người pha cho gói mì tôm ăn tạm và nhịn đói đên tối. Thời gian gần đây, chúng tôi liên tục bị bỏ mặc...”.

Cụ Nguyễn Văn Rộng mệt mỏi trên giường bệnh
Cụ Nguyễn Văn Rộng mệt mỏi trên giường bệnh.

Cụ Nguyễn Văn Rộng (SN 1935, trú huyện Phú Xuyên, Hà Nội) với thân hình ốm yếu, chân trái bị vi rút phong ăn mòn đến đầu gối, sức khỏe rất yếu, nói không rõ lời.

“Tôi điều trị tại Khoa nội trú này từ năm 1999, đến nay đã mười mấy năm, nhưng chưa bao giờ bị đối xử như những gì mà các hộ lý làm vào sáng 4-5. Họ thừa biết tôi, cũng như 20 bệnh nhân trong diện được chăm sóc hoàn toàn, không có khả năng tự sinh hoạt” - Cụ Rộng nói.

Cũng theo cụ Rộng, nhiều lần bị ốm, cụ phải “thuê” hai bệnh nhân khỏe mạnh hơn trong khoa nấu ăn và tắm rửa cho mình vì hộ lý không ngó ngàng tới.

“Bệnh tình tôi như thế, thuốc men cũng không được phát, thấy lạ tôi hỏi thì một hộ lý bảo thuốc để trong tủ không có chìa khóa nên không mở được. Cho đến khi một số y tá trong khoa phát hiện ra nhắc nhở hộ lý, họ mới nấu ăn cho tôi. Tuy nhiên, thức ăn họ nấu cho tôi nhiều khi còn sống, không thể ăn được. Khi bón cơm cho tôi, một số hộ lý dùng thìa thọc thẳng vào mồm tôi…”, cụ Rộng nói trong bức xúc.

Theo phản ánh của Y tá T.T.B, người đã công tác tại Khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da Liễu Hà Đông 18 năm cho biết: Tôi đã nhiều lần thông báo tình trạng của các bệnh nhân vào sáng 4-5 tới ông Vũ Văn Trình, Phó giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông, người trực tiếp quản lý Khoa điều trị nội trú để xin chỉ đạo, với hy vọng những người có trách nhiệm liên quan sẽ khắc phục kịp thời.

Theo y tá này, ông Trình bảo điện thoại cho cấp trên vì đó không thuộc thẩm quyền của ông ta.

"Tôi đã gọi điện cho cả một số lãnh đạo trên Sở Y tế Hà Nội nhưng cũng nhận được lời giải thích: Việc này các cô phản ánh trực tiếp với ông Trình... Hai bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cuối cùng, cả ngày hôm đấy, có bệnh nhân thì phải nhịn đói, người phải ăn mì tôm cho qua ngày”.

Trả lời báo chí ngày 9-5, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về vụ việc trên, hồi 15h ngày 6-5, Lãnh đạo Sở Y tế và các phòng ban chức năng đã trực tiếp làm việc với Ban Giám đốc và tập thể, cá nhân liên quan của Trung tâm Da liễu Hà Đông tại Khoa Điều trị nội trú. Qua đó, xác định vụ việc trên là có thật và họ giải thích do bếp tập thể hết ga.

Trung tâm Da liễu Hà Đông đã xác nhận trách nhiệm thuộc về Ban lãnh đạo và các cá nhân trong Trung tâm.

Họ cũng thừa nhận rằng, do cơ chế quản lý và phương pháp làm việc của Trung tâm chưa đảm bảo theo quy định và việc sử dụng bếp ga tại phòng khám thuộc Khoa điều trị nội trú mới đưa vào hoạt động hơn hai tuần, nên không xử lý kịp thời khi tình huống xảy ra, dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Cũng theo ông Cường, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Da liễu Hà Đông phải xây dựng cơ chế quản lý, quy trình trách nhiệm, phân công cụ thể đảm báo đúng các quy định đối với bệnh nhân, cũng như toàn bộ hoạt động khác của Trung tâm nói chung không để xảy ra sai phạm trong mọi hoạt động của Trung tâm.

Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan tới sai phạm trên, báo cáo kết quả về Sở trước ngày 14-5.

Theo Viết
MỚI - NÓNG