Bệnh nhân COVID-19 vượt qua cửa tử khi 'bão Cytokine' tấn công

0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân COVID-19 vượt qua cửa tử khi 'bão Cytokine' tấn công
TPO - Khoảng 70% các bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị trong tình trạng nặng đã phải đối mặt với cơn bão Cytokine. Với nỗ lực phát hiện sớm, ngăn chặn, điều trị kịp thời, nhiều bệnh nhân đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhưng nhiều người đã vĩnh viễn ra đi. Tuy nhiên, bão Cytokine không phải hiện tượng mới mà đã xuất hiện phổ biến ở nhiều bệnh lý khác. 

Bình thường, người khỏe mạnh khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine, gây ảnh hưởng các phủ tạng. Hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt, trong y khoa gọi là “bão Cytokine”. Những bệnh nhân đối mặt với hiện tượng trên, nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao.

Bệnh nhân COVID-19 vượt qua cửa tử khi 'bão Cytokine' tấn công ảnh 1

Một bệnh nhân COVID-19 được điều trị tích cực sau khi bị bão Cytokine tấn công

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM, hiện tượng người bệnh nhiễm trùng tương tự đã xuất hiện từ thời dịch hạch. Bão Cytokine không phải là một khái niệm mới, hiện tượng này đã được mô tả chi tiết từ năm 1997.

Đến nay, hiện tượng trên không chỉ ghi nhận ở bệnh nhân COVID-19 mà đã ghi nhận khá phổ biến ở cả bệnh nhân tay chân miệng, sởi, ung thư giai đoạn cuối, bệnh lý miễn dịch, hội chứng thực bào máu… gây nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan.

Gần đây, bão Cytokine được biết đến gây sự chú ý của cộng đồng từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay. Tại Việt Nam, 2 trường hợp tạo sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng là trường hợp bệnh nhân 91 nam phi công người Anh mắc COVID-19. Bệnh nhân đã đối mặt với cơn bão Cytokine vào năm 2020 sau khi mắc COVID-19 và may mắn được ngành y tế Việt Nam huy động tối đa nhân vật lực tập trung cứu sống. Mới đây, nữ ca sĩ Phi Nhung, người được cộng đồng yêu mến sau khi mắc COVID-19 cũng đã phải đối mặt với cơn bão Cytokine nhưng không may mắn như phi công người Anh, ca sĩ Phi Nhung đã không thể vượt qua được.

Thực tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tại các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức, các bác sĩ đã ghi nhận tình trạng rất phổ biến của bão Cytokine trên bệnh nhân. Tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai đóng ở Bệnh viện Dã chiến số 16, Quận 7, TPHCM thống kê sơ bộ đã ghi nhận khoảng 70% bệnh nhân được chuyển đến bị bão Cytokine.

Tương tự, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Nhân Dân 115… số bệnh nhân đối mặt với bão Cytokine cũng chiếm khoảng 60% đến 70% trên tổng số ca bệnh COVID-19, hầu hết đều rơi vào nhóm bệnh nặng, nguy kịch. Các bệnh viện hiện đang thống kê số liệu để có nghiên cứu cụ thể nhằm đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân COVID-19 khi đối mặt với bão Cytokine.

Bệnh nhân COVID-19 vượt qua cửa tử khi 'bão Cytokine' tấn công ảnh 2

Y học hiện đại đã có nhiều giải pháp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân khi cơ thể bị bão Cytokine

Bước đầu ghi nhận, bão Cytokine thường xuất hiện vào tuần đầu và tuần thứ hai sau khi mắc COVID-19. Xét nghiệm là giải pháp hiệu quả giúp chẩn đoán sớm nguy cơ người bệnh có bị bão Cytokine hay không. Trường hợp mắc thì đang ở mức độ nào, từ đó các bác sĩ chủ động phác đồ điều trị sớm, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.

Thống kê đã được Bộ Y tế công bố có thời điểm khoảng 20% người bệnh COVID-19 tử vong là người trẻ dưới 35 tuổi. Hầu hết các bệnh nhân này đều có hội chứng của cơn bão Cytokine. Đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập của SARS-CoV-2 dẫn đến phản ứng viêm toàn cơ thể cũng quá mức. Hệ thống miễn dịch ở người trẻ cũng mạnh hơn ở người lớn tuổi nên đáp ứng quá mức cũng dữ dội hơn ở người lớn tuổi và hậu quả là tổn thương ở đa phủ tạng.

TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM cho biết: “Để chống lại cơn bão Cytokine, các nhà khoa học trên thế giới chủ yếu sử dụng 2 nhóm biện pháp là dùng thuốc để trung hòa hay hóa giải hoặc ức chế các chất Cytokine được phóng thích ra và dùng các biện pháp lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, lọc máu liên tục… để lấy bỏ hay lọc bớt Cytokine ra khỏi máu của người bệnh.

"Các biện pháp hỗ trợ sinh mạng kiểu mua thời gian chờ cho các tạng phủ tự phục hồi bằng phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Các biện pháp này cho đến hiện nay vẫn còn đang được nghiên cứu áp dụng thử nghiệm và bước đầu có được một số kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên rất tốn kém và chưa thể áp dụng đại trà cho tất cả người bệnh COVID-19 ở tất cả mọi nơi” – TS Quốc Huy nói.

MỚI - NÓNG
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
TPO - Với việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm được một cơ quan khối Đảng cấp tỉnh, giảm 9 cơ quan khối Đảng của cấp huyện; giảm 6 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 36 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.