Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi 'nguy hiểm hơn chống giặc'

Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi 'nguy hiểm hơn chống giặc'
TP - Cuộc họp báo về bệnh lạ chiều qua có sự tham gia của ông KanSai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trưởng đại diện Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam. Suốt cuộc họp, hai vị đại diện chỉ nghe mà không nói.

> Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi: “Đừng đem dân ra thí nghiệm”

Ông Thứ trưởng thì đề nghị: “Không ai hỏi gì các đại biểu nước ngoài nhé”.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện ngành y tế chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh nhưng vẫn tích cực điều trị các triệu chứng để giảm tỷ lệ tử vong.

Ông Long cho rằng ngành y tế đã trao đổi chặt chẽ với Tổ chức y tế thế giới để cùng phối hợp tìm ra các giải pháp xác định căn nguyên, tìm giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết bệnh lạ.

Tuy nhiên khi cuộc họp báo gần kết thúc, câu “dặn dò” của Thứ trưởng Long khiến các phóng viên không khỏi bất ngờ, là: “Không ai hỏi gì các đại biểu nước ngoài nhé”.

Trả lời Tiền Phong sau cuộc họp, Thứ trưởng Long cho hay: “Ông Kan Sai xin phép chúng tôi là không trả lời vì không nắm được thông tin. Đại diện CDC cũng thế”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (đứng) dặn báo chí đừng hỏi chuyên gia nước ngoài
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (đứng) dặn báo chí đừng hỏi chuyên gia nước ngoài.

Mù mờ nguyên nhân

Trong cuộc họp, Thứ trưởng PGS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, qua các đợt điều tra, khảo sát và đánh giá các mẫu xét nghiệm không thấy các yếu tố chứng tỏ bệnh có thể truyền nhiễm (virus, vi khuẩn).

Xét nghiệm xác định các mẫu máu bị bệnh tại trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản) bằng kỹ thuật giải trình tự Pyro (Pyro- sequencing) rồi so sánh với ngân hàng gene trên 240 loài virus, vi khuẩn, cũng không thấy có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng về các mối nguy cơ do vi khuẩn, virus từ các mẫu xét nghiệm đất, nước, lương thực, thực phẩm.

Quá trình điều tra cho thấy có nhiều cá thể ve, mò mạt, bọ chét trong môi trường vật nuôi và chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí, từ nguồn nước, lây từ người sang người. Nồng độ kim loại nặng như arsen, chì, thủy ngân, cadimi, đồng ở mức giới hạn cho phép trong số các mẫu đã xét nghiệm.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện có nhiều loại nấm mốc và tìm thấy Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ đã xét nghiệm với nồng độ cao hơn nhiều (gấp 5-9 lần mức cho phép).

Theo ông Long, đây là chất có nguy cơ gây ra tổn thương gan, ung thư gan. Vì vậy, nguyên nhân được các hội đồng khoa học nghĩ đến nhiều nhất lúc này là nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu vi chất.

Ngoài ra đoàn kiểm tra đưa ra kết quả có đến 94 mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm (trên tổng số 2.000 mẫu được lấy) cho thấy bệnh nhân bị thiếu vitamin B3.

Tuy nhiên, TS Long khẳng định, thiếu vitamin B3 không phải là nguyên nhân mà chỉ là một trong số các yếu tố tác động đến bệnh…

Thứ trưởng Y tế cho hay hiện tại Bộ Y tế đã huy động hết các labo hiện đại để đẩy nhanh quá trình xét nghiệm nhằm cố gắng xác định được nguyên nhân trong thời gian sớm nhất.

Nguy hiểm hơn chống giặc

Được mời phát biểu, bác sĩ Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chia sẻ, hơn một năm qua ngành y tế địa phương đã làm mọi biện pháp khống chế bệnh.

Bác sĩ Đặng Thị Phượng: “Bệnh này nguy hiểm hơn chống giặc” .
Bác sĩ Đặng Thị Phượng: “Bệnh này nguy hiểm hơn chống giặc” ..

“Bệnh này còn nguy hiểm hơn chống giặc, vì chống giặc còn biết giặc đánh mình bằng vũ khí gì để đối phó. Đằng này không biết bệnh tấn công bằng vũ khí nào, tức không biết nguyên nhân gây bệnh thì làm sao mà chống” - bác sĩ Phượng nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ba vấn đề cần tập trung để giải quyết là đẩy mạnh giảm tử vong, giảm mắc và điều tra căn nguyên.

Hiện, mỗi ngày có 4-5 bác sĩ của Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa và Bệnh viện Da liễu T.Ư thường trực tại huyện Ba Tơ, nhất là xã Ba Điền, để cùng ngành y tế địa phương chủ động, sẵn sàng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, cho rằng, thời gian qua các chuyên gia đầu ngành y tế và cán bộ y tế địa phương đã phối hợp cập nhật hiệu quả phác đồ điều trị mới cho cán bộ y tế trong điều trị bệnh này.

Như vậy chỉ trong một năm, Bộ Y tế đã 3 lần sửa đổi phác đồ điều trị, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao. Sự hoang mang ngày càng lớn trong người dân.

Khi được hỏi tại sao không triển khai các chiến dịch can thiệp như phun khử khuẩn môi trường, phát gạo, hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân sớm hơn mà đợi đến cách đây vài ngày mới thực hiện, Thứ trưởng Long cho biết: “Từ tháng 4, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế Quảng Ngãi khử trùng khu vực này nhưng vì chưa định hướng được căn nguyên nên chưa thể bắt đầu chiến dịch”.

Trước ý kiến cho rằng Bộ Y tế ôm đồm quá nhiều việc khi tìm nguyên nhân căn bệnh này, ông Long cho hay: “Các bộ, ngành khác nếu quan tâm căn bệnh này thiết nghĩ cần chủ động phối hợp ngành y tế để cùng giải quyết”.

Tính đến ngày 13-5, tại huyện Ba Tơ đã ghi nhận 205 trường hợp tại 5 xã là Ba Điền (195 trường hợp), Ba Ngạc (6 trường hợp), Ba Xa (2 trường hợp), Ba Vinh và Ba Tô mỗi xã có 1 trường hợp.

Từ đầu năm đến nay, có 115 trường hợp mắc bệnh tại 3 xã là Ba Điền (109 trường hợp), Ba Ngạc (5 trường hợp) và Ba Tơ (1 trường hợp), trong đó có 34 trường hợp bị tái bệnh, 9 trường hợp tử vong đều ở xã Ba Điền. 33 bệnh nhân đang được điều trị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG