9.000 USD cho phần đầu một chú hươu cao cổ hay 15.000 USD cho một con tê giác là mức giá những con vật đã được nhồi xác tại cửa hàng Louw Mel's, một địa điểm tập kích ưa thích của các thợ săn thú tại thủ đô Windhoek, Namibia.
Nhồi xác động vật là một nghề phổ biến và hợp pháp ở Namibia nên không khó để tìm thấy các cửa hàng tương tự như LouwMel's trên khắp đất nước miền Nam châu Phi này. Riêng tại cửa hàng này, có thể tìm thấy hơn 35 loại động vật hoang dã quý hiểm khác nhau từ sư tử, báo, voi cho đến tê giác.
Trong ảnh là cảnh các công nhân đang nhồi phần vòi voi vào mô hình.
Một chú cá sấu như trong hình sau khi được nhồi xác sẽ có giá 400 USD/mét.
Theo quy định của luật pháp Namibia, các thợ săn phải được cấp phép và bị giới hạn số lượng thú săn. Tuy nhiên, chia sẻ với tờ Daily Mail, những thợ săn dày dạn kinh nghiệm ở đây cho biết, chỉ cần có số tiền lót tay với ban quản lý khu vực bảo tồn thiên nhiên hoang dã thì có thể săn bắn bao nhiêu tùy ý.
Để giết chết một con voi, các thợ săn phải trả khoảng 21.000 USD, một con báo là 7,600 USD, còn một con sư tử là 16.000 USD. Bởi vậy, những loại động vật này sau khi bị giết hại, nhồi xác lại có giá cao ngất ngưởng ví dụ như nếu muốn có một chú voi nhồi xác trang trí ở phòng khách bạn phải bỏ ra khoảng 1,4 tỉ đồng (65.000 USD).
Các công nhân trong xưởng LouwMel's mỗi năm nhồi xác khoảng 6.000 con vật và theo chủ cửa hàng này thì công việc làm ăn cực kỳ phát đạt khi đơn đặt hàng luôn tấp nập còn nguồn cung thì luôn dồi dào.
Xưởng nhồi xác động vật này mỗi năm lại nhận hàng trăm đơn hàng của các thợ săn nước ngoài như Mỹ, Đức đến Namibia săn bắn và để lại các chiến lợi phẩm. Xưởng sản xuất với 45 công nhân này luôn trong tình trạng không ngơi tay.
Bước đầu tiên trong công đoạn nhồi bông động vật là lột và giữ được những bộ da. Thịt, xương và các bộ phận khác của con thú sẽ được phân phát làm thực thẩm cho những công nhân địa phương, ngoại trừ thịt rắn. Ở Namibia, người ta không ăn rắn.
Các phần da được tách riêng được ngâm hóa chất để bảo quản. Mỗi loại động vật ở đây đều có khuôn riêng được đúc theo 3 kích cỡ, nhỏ, vừa và lớn. Các khuôn này sẽ được gọt dũa cho vừa với kích cỡ của bộ da và được các thợ thủ công khâu tay lên trên.
Mỗi loại động vật lại có bộ mắt giả riêng được nhập khẩu từ châu Âu. Lắp ghép mắt gần như là khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện sản phẩm. Con vật sau đó sẽ được vận chuyển tới khắp nơi trên thế giới.