Bến cảng đầu tiên đón đồng bào Miền Nam tập kết - bài 2

Bến cảng đầu tiên đón đồng bào Miền Nam tập kết - bài 2
TP - Trong hàng chục nghìn đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc, cập cảng Lạch Hới (Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn Thanh Hóa) ngày 15/10/1954, có rất nhiều người ở lại học tập, sinh sống và gắn bó cuộc đời mình với Miền Bắc.

>> Bài 1: Chứng tích duy nhất

Tại Thanh Hóa, nhiều chiến sĩ Miền Nam đã đi xây dựng Nông trường Phúc Do, Nông trường Thạch Thành (huyện Thạch Thành), Nông trường Lam Sơn (huyện Ngọc Lặc), Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định) và Nông trường Yên Mỹ (huyện Nông Cống).

Bến cảng đầu tiên đón đồng bào Miền Nam tập kết - bài 2 ảnh 1
Ông Châu Hồng Hải cùng vợ trong vườn nhà. Ảnh: Hoàng Lam

Huyện Nông Cống là địa phương của Thanh Hóa đón nhiều đồng bào miền Nam nhất. Vào năm 1954 và 1955, huyện này đón gần 200 gia đình và gần 1.000 học sinh, sinh viên Miền Nam về sinh sống, tập trung ở các xã Hoàng Giang, Trung Chính, Vạn Hòa. Riêng xã Vạn Hòa có đông đồng bào đến sinh sống nhất, vì nơi đây gần bệnh viện và thuận lợi giao thông.

Ông Châu Hồng Hải (79 tuổi) - chiến sĩ Miền Nam thuộc Sư đoàn 330, quê ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) kể lại: “Tháng 12/1954, chúng tôi được đưa ra Miền Bắc trên một chuyến tàu của Liên Xô. Sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển, tôi cùng đồng đội cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), và được đón tiếp rất nồng hậu.

Ở lại một đêm tại lán trại tập kết, 6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu hành quân 16 km từ Sầm Sơn về Cầu Cốc (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa ngày nay).

Sau đó, đơn vị chúng tôi về huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc giúp người dân địa phương đắp đê, sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn sống theo nếp sống mới. Những năm sau đó, chúng tôi lên huyện Thọ Xuân xây dựng doanh trại quân đội. Năm 1957, đơn vị về đóng tại xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống”.

Sau khi về công tác tại Nông Cống ổn định, đến năm 1962, ông Hải xây dựng gia đình với cô giáo Lê Thị Môn, ở làng Thanh Ban, xã Vạn Hòa và ở lại đây. Thời gian sau đó, ông đi học nâng cao tại Hà Nội, rồi làm việc nhiều nơi cho đến khi nghỉ hưu và sinh sống tại quê vợ.

Vợ chồng ông Hải sinh được năm con. Sau giải phóng, nhiều lần ông định đưa vợ con trở về quê hương Tiền Giang sinh sống, nhưng rồi lại quyết định gắn bó với xứ Thanh.

Đặt nền móng xây dựng các nông trường quốc doanh

Theo tài liệu lịch sử của Nông trường Lam Sơn (huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa), thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, quyết định của Tổng quân ủy và Bộ Quốc phòng, năm 1957, Sư đoàn 330 đã biên chế một lực lượng (chủ yếu là bộ đội Miền Nam tập kết ra Bắc) cùng với Trung đoàn 4 - Đoàn 78 thành lập Trung đoàn 25 về đóng quân tại Lam Sơn để làm kinh tế, kết hợp với quốc phòng.

Tháng 10/1957, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Sư đoàn 330 và ghi lại trong sổ vàng truyền thống của Sư đoàn này là: Trung đoàn 25 được giao nhiệm vụ xây dựng nông trường, đặt tên là Nông trường Lam Sơn. Các đồng chí hãy thực hiện tốt quyết định ấy của Tổng quân ủy, góp phần mở mang vùng Lam Sơn lịch sử thành khu kinh tế đông vui, giàu đẹp. Làm được như vậy, các đồng chí sẽ cống hiến thiết thực, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, bảo vệ biên cương Tổ quốc...

Thực hiện chỉ thị của Đại tướng, ngày 22/12/1958, Trung đoàn 25 được quyết định đặt tên là Nông trường Lam Sơn. Đây là một trong những nông trường quốc doanh ra đời sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Thọ (sinh năm 1932), quê ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước (Long An) - một trong những chiến sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc ở lại xây dựng Nông trường Lam Sơn, kể lại: “Khi chúng tôi về vùng đất Lam Sơm xây dựng nông trường, nơi đây còn khó khăn lắm. Tất cả anh em trần lưng ra khai hoang, phục hóa, rồi trồng cao su, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ khi thành lập đến cuối năm 1960, nông trường trồng được 158 ha cà phê, 188 ha cao su, 660 ha cây hàng năm; xây trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; chế biến tinh bột sắn, làm đường thủ công. Từ đó, đời sống của anh em ở nông trường dần bớt khó khăn”.

Ngoài Nông trường Lam Sơn, hàng trăm chiến sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc đã ở lại xứ Thanh góp phần quan trọng và đặt nền móng để xây dựng Nông trường Phúc Do, Nông trường Thạch Thành (huyện Thạch Thành), Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định) và Nông trường Yên Mỹ (huyện Nông Cống).

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG