Chuyện ít biết về vợ chồng người bảo vệ Bác Hồ - Kỳ cuối:

Bên Bác lòng ta trong sáng hơn

Anh Lê Văn Lợi (thứ 2 hàng đầu từ phải sang) thắp hương trước bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Lộc tại Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (17/8/2014). ảnh: Đồng Khắc Thọ
Anh Lê Văn Lợi (thứ 2 hàng đầu từ phải sang) thắp hương trước bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Lộc tại Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (17/8/2014). ảnh: Đồng Khắc Thọ
TP - Sau khi Phạm Văn Lộc chia tay người vợ trẻ (1937) vợ chồng Nguyễn Bun sinh được cô con gái đặt tên là Nguyễn Thị Đòn, ông Bun giữ lời hứa với người bạn chí thiết, Đòn được 1 tuổi, bà Nguyễn Thị Cúc nhận Đòn về nuôi. Khi bà đi hoạt động lại gửi con cho mẹ đẻ. 

Gần hai chục năm sau, thiếu nữ Nguyễn Thị Đòn lớn lên trong sự ấp ủ của mẹ Cúc đã xây dựng gia đình với anh Lê Thanh Quang. Bà Cúc ở với 2 vợ chồng anh Quang, chị Đòn và bí mật hoạt động trong phong trào yêu nước của Việt kiều.

Chuyện của bà Nguyễn Thị Cúc

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam, hồi hương Việt kiều về nước (1960) bà Cúc tuổi ngoài 50 theo vợ chồng con nuôi về quê chồng ở thôn Phù Cát, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với trăn trở, da diết đi tìm chồng.

Bà Cúc chỉ biết chồng theo ông Thầu Chín đi hoạt động cách mạng, nên ra Hà Nội (1962) xin gặp Bác Hồ hỏi tin tức chồng, nhưng đúng dịp Người đi Liên Xô nên không gặp được, bà buồn bã trở về thôn Phù Cát.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (1967), gia đình Lê Thanh Quang, Nguyễn Thị Đòn cùng bà Cúc đi sơ tán ra Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, sau đó sơ tán tiếp lên Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Bà Cúc xin Lê Văn Lợi (sinh 8/9/1967), con trai anh Quang và chị Đòn chưa đầy tuổi ở lại để nuôi cho ấm tuổi già như mong muốn của ông Lộc dặn dò ngày chia tay. 

30 năm trước bà Cúc nuôi Nguyễn Thị Đòn - mẹ Lê Văn Lợi khi chưa đầy một tuổi, nay bà Cúc lại nuôi cháu Lợi cũng chưa đầy một tuổi, mới thấm thía tình sâu nghĩa nặng giữa hai đồng chí Nguyễn Bun với Phạm Văn Lộc son sắt, thủy chung đến nhường nào.

Giặc Mỹ ném bom, căn nhà tranh vách đất của bà cháu bên bờ sông Hiếu bị cháy, tài sản chỉ còn chiếc thau men màu vàng ở ngoài sân. Toàn bộ giấy tờ mang từ Thái Lan về cháy hết. Được huyện Nghĩa Đàn trợ cấp thường xuyên, bà Cúc tự nhủ tuổi ngoài 60, cố gắng tự làm nuôi cháu Lợi. 

Ý chí vượt khó, tự lực cánh sinh, không đòi hỏi quyền lợi riêng là điều Nguyễn Thị Cúc tâm niệm từ khi được ông Thầu Chín vận động vợ chồng bà tham gia cách mạng ở Xiêm nay được truyền dạy cho Lê Văn Lợi từ nhỏ.

Năm 1969, bà Cúc gửi Lợi cho hàng xóm ra Hà Nội xin gặp Bác Hồ lần thứ 2 để hỏi tin tức ông Lộc, gặp lúc Bác ốm nặng, bà quay về thì được tin Bác Hồ từ trần... Cùng với nỗi đau bặt tin chồng, bà Cúc lại khóc thương Bác Hồ. Sau ngày miền Nam giải phóng (tháng 10/1975) bà Cúc cùng vợ chồng anh Quang, chị Đòn và Lợi trở về quê chồng ở thôn Phù Cát, xã Lương Ninh.

Với bản tính chịu thương, chịu khó, tự lực ở tuổi 68, bà Cúc dựng một căn nhà nhỏ bên hố bom, cạnh bưu điện vừa đủ kê cái chõng tre, cái bàn nhỏ... đi mót khoai, mót lúa, mua mít, ổi, bán rong ở bến phà quán Hàu (1975 - 1979). Lợi vừa đi học, mò cua, bắt ốc ở Cồn Hàu. 

Tháng 5/1979 đọc bài báo của bác Vũ Kỳ - thư ký Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Nhân Dân, kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5/1979) có nhiều dòng kể công lao của liệt sĩ Phạm Văn Lộc có công phục vụ, bảo vệ Bác Hồ từ 1928 đến 1948. 

Khi được Lê Xuân Ất, cán bộ quân đội hưu trí cùng một số cán bộ biết bà Cúc, mang tờ báo Nhân Dân đưa cho đọc, bà Cúc nghẹn ngào: “Đúng là chuyện ông nhà tôi rồi! Thế là anh Vũ Kỳ biết việc của chồng tôi”. 

Ngay cả khoản lương của bà 81 đồng/tháng từ 1981, bà Cúc không lĩnh. Bà nói với Lợi: Bà được Nhà dưỡng lão nuôi, lại có tiền tuất của ông, lương hưu... để cho Nhà nước.

Tháng 6/1980 bà cháu ra Hà Nội gặp bác Vũ Kỳ để tìm hỏi tin tức chồng... Bác Vũ Kỳ - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho xe đưa bà, cháu về nhà mời bữa cơm thân mật rồi cho lái xe chở ra chợ Đồng Xuân đo, may quần áo... Bà, cháu được bác Vũ Kỳ và Hoàng Hữu Kháng - Cục trưởng Cục Cảnh vệ, đồng đội của chồng bà Cúc kể nhiều chuyện về ông Phạm Văn Lộc. Khi chuyện ông Lộc hy sinh ở Chiến khu Định Hóa (3/6/1948) bà, cháu khóc nức nở. Bác Vũ Kỳ nói: Bác Hồ quý anh Lộc lắm... Sau đó bà, cháu ở lại Hà Nội gần một tháng, đi thăm di tích Phủ Chủ tịch, chụp ảnh với bác Vũ Kỳ bên nhà sàn Bác Hồ.

Bà Nguyễn Thị Cúc muốn tìm mộ chồng, bác Vũ Kỳ và Hoàng Hữu Kháng nhờ Triệu Hồng Thắng, Phó Chủ tịch Khu tự trị Việt Bắc, người dân tộc Dao ở Định Hóa, xưa cùng làm công tác bảo vệ, giúp việc Bác Hồ với Phạm Văn Lộc nhưng không tìm được ông Thắng. Bác Vũ Kỳ tặng bà cháu bức ảnh lụa chân dung Bác Hồ.

Chuyện của Lê Văn Lợi

Dáng dong dỏng cao trong bộ quân phục bạc mầu, khuôn mặt thon dài rám nắng, mái tóc đốm bạc, Lê Văn Lợi có nụ cười hiền lành, rất đáng yêu, sống ở xóm 1, thôn Văn La, xã Lương Ninh, Quảng Bình. 

Lợi cho biết: Sau chuyến ra Hà Nội về được sự giúp đỡ của bác Vũ Kỳ, các cơ quan trung ương, bà Nguyễn Thị Cúc được hưởng chế độ tiền tuất vợ liệt sĩ với trợ cấp 15 đồng/tháng. Từ 1/10/1980, bà Cúc được Ban tổ chức Trung ương ký quyết định hưởng chế độ hưu trí, mức lương 81 đồng/tháng, cấp phiếu thực phẩm loại C. Xã Lương Ninh dựng cho bà cháu Lợi căn nhà nhỏ, vách đất lợp ngói, bà cháu lập ban thờ ảnh Bác Hồ và liệt sĩ Phạm Văn Lộc. 

Lợi cho chúng tôi xem sợi dây chuyền bằng đồng có chân dung Bác Hồ mặt trước - mặt sau khắc nổi dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” do đoàn Bảo tàng Hồ Chí Minh có đồng chí Vũ Kỳ và Chu Đức Tính vào thăm (1982) tặng bà, cháu cùng buồng chuối 20 nải và quả bí đao dài hơn 1m từ vườn cây Bác Hồ tặng bà con lấy hạt làm giống...

Bên Bác lòng ta trong sáng hơn ảnh 1

Đồng chí Vũ Kỳ (bìa phải), bà Nguyễn Thị Cúc (thứ ba phải sang), anh Lê Văn Lợi chụp ảnh trước nhà sàn Bác Hồ tại di tích Phủ Chủ tịch (1980). Ảnh Đồng Khắc Thọ chụp lại từ ảnh tư liệu của gia đình anh Lợi

Ở tuổi gần 80, bà Cúc được mời vào sống ở nhà dưỡng lão Yết Kiêu, thành phố Huế. Lợi ở lại Lương Ninh theo học Trung học Phổ thông Đồng Hới, nghỉ hè lại vào Huế với bà. Năm 1986, tốt nghiệp Phổ thông Trung học, Lợi từ chối đi Liên Xô lao động hợp tác, tình nguyện vào bộ đội. 

Bà Nguyễn Thị Cúc trút hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện Trung ương Huế ngày 6/5/1990 thọ 84 tuổi (1907 - 1990)... Ông Thái Bá Nhiệm, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình thường đến thăm, tặng quà bà, khi đến viếng bà Cúc đã thốt lên: “Thật hiếm có một đám tang nào mà bên linh cữu chỉ có một người cháu đội khăn trắng, nhưng người đến viếng thì xếp hàng đông như vậy...”.

Lê Văn Lợi phiên vào đơn vị Tăng thiết giáp. Anh bị thương gãy chân sát đầu gối trong một buổi huấn luyện chiến đấu. Ra quân Lợi được bác Vũ Kỳ cho đi thăm lăng Bác Hồ, nhà sàn Bác Hồ, các di tích ở Hà Nội rồi nhắc về hương khói cho bà xong ra Hà Nội để bác xin cho đi học và xin việc làm. Nhưng Lợi từ chối chỉ muốn về quê để thờ phụng ông, bà. Vợ chồng bácVũ Kỳ cho ít tiền về quê làm ăn Lộc cũng từ chối, bị bác Vũ Kỳ mắng yêu: “Cái gì cháu cũng từ chối, thật giống tính cách của bà cháu”.

Ngay cả khoản lương của bà 81 đồng/tháng từ 1981, bà Cúc không lĩnh. Bà nói với Lợi: Bà được Nhà dưỡng lão nuôi, lại có tiền tuất của ông, lương hưu... để cho Nhà nước. Sổ lương hưu của bà được Nhà dưỡng lão giữ, xin truy lĩnh từ 1981 - 1990 rồi gửi Lợi, nhưng anh cũng nói: “Lúc sống bà không đòi hỏi thì giờ bà qua đời các cô chú đừng lo cho cháu”.

Sau những ngày buôn bán kiếm ăn ở Lào, Thái Lan, Lợi về mở xưởng làm sắt và đồ gia dụng bằng sắt được khách hàng tín nhiệm và dạy nghề cho thanh niên và cựu quân nhân chưa có việc làm...

Vĩ thanh

TS Chu Đức Tính nhắc lại lời dặn của đồng chí Vũ Kỳ cách đây 10 năm: “Chú thay tôi tiếp tục tìm phần mộ anh Lộc và báo cho gia đình biết”. TS Chu Đức Tính nhờ Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tìm giúp phần mộ liệt sĩ Phạm Văn Lộc. Ngôi mộ được quây thành hình chữ nhật bằng những tảng đá suối dưới triền đồi ven khe Khuôn Tát. UBND xã Phú Đình cho biết, những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, đoàn thanh niên quy tập hài cốt liệt sĩ về UBND xã rồi đưa ra nghĩa trang liệt sĩ của huyện ở Chợ Chu, do đánh mất giấy tên, họ từng bộ hài cốt liệt sĩ nên phần mộ đành ghi là chưa rõ nhân thân...

TS Chu Đức Tính giao bản thiết kế cho Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên và 300 triệu đồng huy động được để phối hợp xây bia lưu niệm nơi Phạm Văn Lộc hy sinh (3/6/1948). Bia được khánh thành vào ngày 2/9/2013.

Ngày 17/8/2014, chúng tôi cùng Lê Văn Lợi, đoàn Bảo tàng Hồ Chí Minh đến nghĩa trang liệt sĩ Định Hóa thắp hương trên mộ liệt sĩ Phạm Văn Lộc. Mộ được nhà ngoại cảm tên Phương - nghiên cứu tiềm năng con người, định vị ngay phía sau bên trái đài bia tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ. 

Lê Văn Lợi thắp nén hương tưởng nhớ người ông Phạm Văn Lộc, người đã 20 năm theo Bác Hồ, theo Đảng hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong bảng lảng khói hương, anh thì thầm nguyện sống xứng đáng với ông, bà, cha, mẹ cũng như cha, mẹ, ông, bà đã noi theo tấm gương đạo đức của Bác tận hiến đời mình cho Cách mạng.

MỚI - NÓNG