Bế tắc

Bế tắc
TP - Hành động trục xuất tập thể của 16 quốc gia EU hôm 26/3 quyết liệt và mạnh mẽ, diễn ra cùng thời điểm Mỹ trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga, nếu xét về những con số, nó báo hiệu một cuộc đối đầu ngoại giao không khoan nhượng giữa phương Tây và Nga.

Thế nhưng, nếu xét về bản chất, động thái ngoại giao trên không mang quá nhiều ý nghĩa.

Theo thông lệ ngoại giao, sau khi tổng cộng 24 nước ra lệnh trục xuất 139 nhà ngoại giao Nga, Mátxcơva có thể  ngay lập tức đưa ra hành động tương tự đối với 139 nhà ngoại giao những nước trên. Bởi lẽ, các quốc gia EU và Nga trước nay vẫn quen cài cắm nhân viên tình báo trong số nhà ngoại giao làm việc ở đại sứ quán hay tổng lãnh sự quán, vì thế sẽ không quá khó để các cơ quan phản gián sở tại xác định những đối tượng cần trục xuất. Ngày 14/3, Anh ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, ba ngày sau, Mátxcơva cũng yêu cầu 23 nhân viên Đại sứ quán Anh rời khỏi nước Nga trong vòng 1 tuần. Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, sẽ khó xác định thắng - thua trong cuộc đối đầu theo kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa phương Tây và Nga.

Một điểm đáng chú ý, ngoài “tin tình báo” và lập luận độc tố giết chết hai cha con cựu điệp viên Skripal được sản xuất thời Liên Xô, thì cho đến nay, Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa đưa ra những bằng chứng khiến Nga và cộng đồng quốc tế “tâm phục khẩu phục”. Bằng chứng là Áo, Hy Lạp, Cộng hòa Síp, Malta từ chối tham gia vào hành động tập thể của EU. Bulgaria, Chủ tịch luân phiên hiện tại của EU, thậm chí còn bàn lùi khi công khai tuyên bố: “Chưa có bằng chứng cụ thể, chúng tôi không thể đưa ra hành động vào lúc này”.

Cần nhắc lại rằng, bà Theresa May, vốn không được chào đón trong cuộc gặp của lãnh đạo EU thời gian qua, lại chính là người đề nghị trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga. Có điều gì khác thường phía sau sự đồng thuận hiếm hoi của các nước EU đối với đề xuất của người đứng đầu Chính phủ Anh, quốc đảo đang tiến hành thủ tục “ly hôn” với EU mà Brussels không hề mong muốn? Có vẻ như, ở thời điểm bế tắc trong việc khuất phục Nga sau kỳ bầu cử Tổng thống với chiến thắng vang dội của ông Vladimir Putin, EU rất muốn tìm kiếm một nguyên thủ đóng “vai ác” để một mặt duy trì đường lối cứng rắn với Điện Kremlin trong tương lai gần, nhưng mặt khác sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nga trong tương lai.

Và bà Theresa May có lẽ là sự lựa chọn thích hợp nhất, khi mà nếu không có biến cố quá lớn, thì đúng 1 năm nữa, ngày 30/3/2019, quốc đảo Anh của bà May sẽ không còn là thành viên EU. Sau thời điểm trên, chắc chắc giới chức EU sẽ ngồi lại với nhau để đưa ra quyết sách mới liên quan tới Nga.

Tháng 9/2014, nhiều nước trong EU và Mỹ bắt đầu áp lệnh trừng phạt lên nền kinh tế Nga với cáo buộc “Mátxcơva can dự khủng hoảng Ukraine”. Sau hơn 3 năm, giới chức các nước nhận ra rằng, biện pháp này không hiệu quả với người Nga. Trước thềm bầu cử Tổng thống Nga vừa qua, châu Âu mong muốn một sự thay đổi từ Điện Kremlin. Nhưng thực tế cho thấy kết quả kỳ bầu cử vừa qua cũng là tốt nhất của ông Putin với 76,69% số phiếu bầu, so với 63,6% (năm 2012) và 71,9 % (năm 2004). Và số cử tri Nga đi bỏ phiếu cũng đạt con số kỷ lục 68%, cao hơn dự kiến từ 8-10%.

Và thêm lý do nữa luôn khiến châu Âu suy tính trước khi đưa ra các hành động với Nga: Khí đốt. Đối với Italy, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm 37%, Đức khoảng 28%. Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan, Lithuania, Latvia, Estonia phụ thuộc gần như 100% vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Nói không quá, nếu không có khí đốt của Nga, những quốc gia này sẽ rơi vào khủng hoảng năng lượng chỉ sau hơn 1 tuần.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.