Một góc Thạnh An. |
Người mẹ 7 năm vượt biển đưa cơm
Mấy chục đứa con của đảo vào thị trấn học phải ở tại ký túc xá của trường. Không đủ tiền cho con ăn cơm bụi, những bà mẹ trên đảo hằng ngày vượt biển mang cơm đến trường cho con ăn. Đến đảo, hỏi nhà cô Loan “đưa cơm”, người dân tận tình đưa chúng tôi đến tận nhà “dì Ba – má nuôi của đảo”. Đã 7 năm nay, dù nắng mưa, dù những lúc trời giông bão, cô Lê Thị Hoàng Loan vẫn đều đặn vượt biển mang cơm đến trường.
“Hồi xưa tui có hai đứa con học ở thị trấn, nhà nghèo quá, tụi nhỏ thương ba má đòi nghỉ học đi thả lưới. Tui bảo dù thế nào má cũng nuôi cho các con ăn học, không có tiền cho con ăn cơm thì má sẽ mang cơm đến tận trường cho con. Vậy là ngày nào tôi cũng đi đò mang cơm cho mấy đứa con. Lúc trời yên thì đi mất 45 phút, lúc biển động hoặc mưa bão thì có khi mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Bà con xóm giềng thấy vậy gửi nhờ tui mang cơm cho con của họ luôn. Tui nghĩ mình mang cơm cho con, tiện thể thì mang giúp cho con người khác, dù gì thì cũng chỉ có mấy chục đứa đi học mà thôi”, cô Loan tâm sự.
Những hôm mưa bão, sóng nhấn cả chiếc đò dập dềnh, nước tung đầy khoang. Cả chiếc đò có mỗi mình cô và ông chủ lái đò đối đầu sóng dữ. Có lần thuyền lắc mạnh, cả túi cơm rời khỏi tay, lạng qua lạng về trong khoang, cô nhanh trí cởi chiếc áo mưa đang mặc trùm lấy túi cơm, bám chặt vào mép thuyền.
Những đứa con của đảo đang học ở đất liền ăn cơm từ tay cô Loan đưa đến. |
Buổi chiều hôm đó, lũ trẻ đói meo vì buổi trưa nhịn, đứng thẫn thờ trước cổng trường đợi cơm. Khi cô đến cũng vừa lúc nhá nhem tối, cười xòa với lũ trẻ: “Hôm nay biển động quá, cơm canh nguội rồi nhưng vẫn còn may là chưa bị nước biển ngấm vào mấy đứa à”.
Thương lũ trẻ và bố mẹ của chúng nên cô tiếp tục đưa cơm. Bà con trên đảo mỗi lần đưa cô người 1 ngàn, người 2 ngàn đồng để cô trang trải tiền đò, tiền xe ôm. “Mỗi chuyến đò 7 ngàn đồng, cả tiền xe ôm là mỗi lần đưa cơm cho bà con cũng hết gần 50 ngàn. Vì vậy bà con chòm xóm dù nghèo nhưng vẫn đưa cô chút tiền. Nhà tui hai đứa đi học, riêng tiền ăn cơm bụi ngày 2 bữa đã mất 60 ngàn.
Mình nấu cơm gửi cho con dù sao cũng tiết kiệm hơn rất nhiều. Con cái học xa một tuần về một lần, thỉnh thoảng gửi thư hoặc nhận thư của con cũng mừng lắm”, cô Nguyễn Thị Bảy, một người dân trên đảo nói.
Ông Kiệt, Chủ tịch xã nói: “Từ khi nước sông Thị Vải đổ ra bị ô nhiễm nghiêm trọng thì con tôm con cá cũng thưa dần. Mỗi lần giông bão, đảo cũng là nơi hứng chịu đầu tiên. Chính vì vậy huyện luôn ưu tiên hỗ trợ con em trên đảo đi học như miễn giảm tiền đò, học phí, ở ký túc xá miễn phí… Việc cơm nước ngày hai buổi cũng được đỡ đần khi dì Ba ngày ngày vượt biển cả tiếng đồng hồ để đưa cơm đến tận tay lũ trẻ”.
Đã gần 10 năm nay, cô Loan không nhớ bao nhiêu lứa học sinh của đảo được cô đưa cơm đã ra trường: “Nhiều đứa đi làm xa, lúc ngồi ăn cơm bụi lại nhớ đến tui nên gọi điện về kể lể, khóc thút thít bảo nhớ đảo, nhớ gói cơm ngày ngày cô mang đến. Tui cũng sắp bước qua cái tuổi 50, mang mấy chục bịch cơm đã không còn nhanh lẹ như trước, nhiều hôm đau ốm phải nhờ con gái đi thay.
Ngày trước đò chạy 10 giờ rưỡi trưa, sau tui xin chạy 10 giờ để đến nơi vừa kịp cho tụi nhỏ nghỉ học ăn trưa. May mà nhà đò cũng thương, nhiều hôm, khách đi chỉ có một mình tui nhưng vẫn chấp nhận chịu lỗ tiền dầu để tụi nhỏ không phải nhịn đói”.
12 giờ trưa, 2 chiếc xe ôm chở 4 túi cơm to đỗ xịch trước ký túc xá trường THPT Cần Thạnh. Lũ trẻ chạy xuống tìm phần cơm có kẹp mảnh giấy viết tên, viết lớp của mình, nhanh nhảu cảm ơn rồi chạy vù lên phòng. Khánh Linh, học sinh lớp 11 cho biết, tại ký túc xá có khoảng 40 bạn là con em của đảo, có một vài bạn ở xa như ấp Thiềng Liềng, phải qua 2, 3 chuyến đò mới tới.
Chưa một lần những bịch cơm không đến được tay những đứa trẻ học xa đảo. Ước mơ về một cây cầu của nhiều học sinh có thể sẽ không thành hiện thực, khi thành phố nhiều lần đã có quyết định di dời dân ở Thạnh An vào đất liền.
Trong lúc chờ đợi những đổi thay, người dân Thạnh An vẫn phải gồng mình chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, họ vẫn sẵn sàng làm tất cả để con em mình được đến trường.
Cô Loan nhận cơm từ bà con để mang vào đất liền cho lũ trẻ. |
Nghèo nhất thành phố
Mảnh đất Rừng Sác Cần Giờ là một trong những nơi người Việt đặt chân sớm nhất khi đi khai khẩn phương Nam. Cần Giờ là nơi chứng kiến bao sự kiện lịch sử bi hùng của đất nước: Nơi Gia Long “tẩu quốc” bị quân Tây Sơn đánh bại ở “Thất Kỳ Giang”; nơi tàu chiến nước Pháp đầu tiên vào xâm chiếm Nam Bộ; một trong những địa bàn hoạt động của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định; là căn cứ kháng chiến của Việt Minh; của quân Bình Xuyên trong thời kỳ chống thực dân Pháp và của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…
"Mỗi chuyến đò 7 ngàn đồng, cả tiền xe ôm là mỗi lần đưa cơm cho bà con cũng hết gần 50 ngàn. Vì vậy bà con chòm xóm dù nghèo nhưng vẫn đưa cô Loan chút tiền. Nhà tui hai đứa đi học, riêng tiền ăn cơm bụi ngày 2 bữa đã mất 60 ngàn. Mình nấu cơm gửi cho con dù sao cũng tiết kiệm hơn rất nhiều. Con cái học xa một tuần về một lần, thỉnh thoảng gửi thư hoặc nhận thư của con cũng mừng lắm. " - Cô Nguyễn Thị Bảy, một người dân trên đảo nói |
Ông Võ Hoàng Kiệt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An, cho biết: “Cần Giờ là huyện nghèo nhất của TPHCM, và xã đảo Thạnh An là xã nghèo nhất của huyện.
Đảo chỉ có trường mầm non, cấp 1 và cấp 2, con em trên đảo lên cấp 3 phải đi đò vào thị trấn học và ở ký túc xá, một tuần chỉ về nhà một lần. Nhiều gia đình thậm chí không có tiền cho con đi đò về thăm nhà.
Chính vì vậy mà đảo có hơn một ngàn hộ, nhưng chỉ có hơn 30 em theo học cấp 3 tại thị trấn”. Chủ tịch xã nhà ở trên thị trấn, phải ăn ngủ tại ủy ban, chỉ có một chiếc xe đạp lóc cóc 10 phút là hết một vòng quanh đảo. Ở đây, con gái mới lớn đã đi lấy chồng, con trai vừa học hết cấp 2 đã phải nghỉ học theo cha đi ghe, thả lưới.
Ông Lê Văn Ba, một cư dân trên đảo tâm sự: “Nhà tui có 4 đứa, 2 gái đi lấy chồng, thằng theo ghe thả lưới, bắt cua, một đứa ngán sóng ngán gió nên lên thành phố tìm việc. Giờ chỉ có hai ông bà già ở nhà thui thủi với mấy đứa cháu lít nhít, đứa lớn nhất mới học lớp 2”.
Vào ngày đi biển, đàn ông trai tráng ra khơi, cả đảo còn lại phụ nữ và bầy trẻ. Ông Bùi Văn Hai, năm nay gần 90 tuổi, một trong những lão ngư cao tuổi nhất sót lại ở hòn đảo kể rằng, để lánh nạn giặc giã, cha ông đời trước chèo ghe lênh đênh ngày này qua ngày khác tìm chốn dung thân. Trên chặng đường khai thiên lập địa, họ lạc đến hòn đảo có vị thế rất đẹp, nằm giữa vùng biển Vũng Tàu, Đồng Nai, Nhà Bè, khí hậu trong lành.
Từ đó dựng nhà lập bến, thành cái hòn đảo Thạnh An bây giờ. “Ngày xưa cuộc sống an nhàn, no đủ. Nhà nào ghe lớn thì đi lộng, cá tôm nhiều. Nhà khó hơn thì đi khơi, thậm chí quăng lưới ven bờ cũng dư ăn cả tháng trời. Bây giờ cuộc sống ngày càng khó khăn, có khi thả lưới cả ngày chỉ được vài con tôm, con cá nhỏ.
Được thì dăm bảy chục, thua thì đủ đong gạo ăn qua ngày. Lũ trẻ ở đây vì vậy phải nghỉ học sớm phụ giúp gia đình, theo cha đi ghe. Lúc rỗi rãi thì tấp ghe vào miệt rừng đước, rừng sác ven ấp Thiềng Liềng bắt cua, bắt hàu”, lão ngư Bùi Văn Hai tâm sự.
Để đến trường, những đứa trẻ của đảo phải dậy từ sáng sớm cho kịp chuyến đò vào thị trấn, từ đó đi bộ gần 5km mới đến được lớp. Bên ngoài sóng vỗ, trời nhá nhem, mấy đứa trẻ hồn nhiên nằm ngủ trên đò, vài em tranh thủ nhẩm lại bài học hôm trước.
Đò cập bến, lũ trẻ lủi thủi cuốc bộ đến trường. Trên nét mặt mệt mỏi còn ngái ngủ vẫn thấy niềm vui, bởi chúng hiểu rằng, chúng đã may mắn là một trong số ít những đứa con của đảo được tiếp tục đến trường.