Những cầu thủ U.19 + Hoàng Anh Gia Lai (thực tế giờ đã thành U.20) giỏi kỹ thuật tới đâu và yếu thể lực như thế nào là điều mà cả làng bóng đá Việt Nam đều biết...
Trước trận chung kết giải U.19 Đông Nam Á mở rộng hồi năm ngoái, khi U.19 thường chỉ đá tròn trịa trong khoảng 60 phút các trận đấu rồi sau đó vỡ sức, vỡ luôn cả trận thì chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng - một người không quá giỏi về chuyên môn bóng đá cũng có thể "bói" được.
"Ở trận chung kết với Nhật Bản, tôi lo nhất vấn đề thể lực". Và thực tế là những gì ông Dũng "bói" đã ứng nhiệm khi trận đấu ấy U.19 thua bàn duy nhất ở nửa cuối hiệp 2 - cái khoảng thời gian "vỡ" thể lực định kỳ.
Cha đẻ của lứa cầu thủ này - ông bầu Đoàn Nguyên Đức không chấp nhận sự yếu đuối cố hữu ấy. Thế nên ông Đức mới mời một chuyên gia thể lực người Pháp về phố Núi, và cùng với sự xuất hiện của chuyên gia thể lực này còn có sự xuất hiện của cả một loạt thiết bị tập luyện thể lực chất lượng cao. Nghe đâu, ông Đức đã đề nghị chuyên gia Pháp phải cam kết giúp các cầu thủ đủ sức chạy khoảng 10 km/trận - con số trung bình của các cầu thủ châu Á hiện nay.
Kết quả thực tế như thế nào? Kết quả là 8 vòng V-League đầu tiên, thể lực của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh có vẻ cũng nhỉnh lên chút ít, nhưng so với mặt bằng trung V-League - cái nơi mà các cầu thủ cũng chỉ chạy bình quân 6 km/trận thì không thể nói cầu thủ Hoàng Anh mạnh mẽ về thể lực.
Bây giờ thì có tới 9 cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đang hiện diện trong màu áo đội U.23 Việt Nam, dưới trào thầy Nhật Toshiya Miura. Và ngẫu nhiên thay, vấn đề thể lực cũng là vấn đề mà thầy Nhật đặc biệt chú ý trong hơn một tuần hội quân. Ông bảo, nếu không có thể lực tốt, các cầu thủ sẽ không thể chống chọi được cái nóng và mật độ thi đấu dày đặc tại vòng loại U.23 châu Á tại Malaysia vào tháng tới.
So với chuyên gia thể lực người Pháp nói trên, chắc chắn ông Miura không có những thiết bị tập luyện, đo lường thể lực hiện đại bằng. Điều duy nhất và cũng là khác biệt nhất mà ông thực hiện theo đánh giá của chính những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đó là những bài tập rất nặng, bao gồm cả những bài chạy không bóng đơn thuần đến những bài chạy cự ly ngắn, vượt chướng ngại vật.
Và nói như một trong những cầu thủ đáng chú ý nhất của lò Hoàng Anh Gia Lai là tiền đạo Văn Toàn thì dưới trào Miura, các cầu thủ tập không bóng nhiều hơn hẳn so với những gì mình trải qua ở cấp độ CLB.
Rõ ràng, phương pháp tập thể lực của Miura khác rất nhiều so với phương pháp tập thể lực của chuyên gia thể lực ở CLB Hoàng Anh Gia Lai và nó cũng rất khác so với phương pháp tập thể lực của HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai Guillaume Graechen trước đó.
Vậy thì hãy chờ xem dưới trào Miura các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai liệu có thể chấm dứt cái tình trạng chỉ có thể đá sung, đá bốc trong khoảng 60 phút rồi vỡ dần trong 30 phút cuối giống như dưới trào Guillaume hay không?
Lúc này thì ông bầu Đoàn Nguyên Đức cần chờ câu trả lời hơn bất cứ ai.