1. Việc có đến 9 cầu thủ của đội HA.GL được gọi vào đội tuyển U.23 Việt Nam gây ra nhiều phản ứng trong dư luận, khi có ý kiến cho rằng đã có sự ưu ái nhất định với các cầu thủ lứa U19 HAGL. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những bước đi táo bạo của HLV trưởng người Nhật Bản Toshiya Miura, hoàn toàn không có chuyện ông chịu sức ép của dư luận hay VFF.
Trong danh sách 30 cầu thủ được gọi tập trung, 2/3 cầu thủ ở độ tuổi 19-20, tức là có thể đá thêm 1 kỳ SEA Games 2017 nữa. Với tiêu chí đầu tư dài hạn cho tương lai, việc chọn đa số cầu thủ U.19 vào đội tuyển U.23 là chuyện rất bình thường, nhất là khi U.19 thể hiện được năng lực của mình trong năm 2014.
Xu thế này hoàn toàn không mới. Tại SEA Games 2013, 50% cầu thủ của Thái Lan đều ở độ tuổi đá được 2 kỳ SEA Games và chính đội bóng trẻ ấy đã đoạt HCV, sau đó vào đến bán kết Asiad 17 cũng như góp mặt đông đảo ở đội hình đăng quang chức vô địch AFF Cup 2014 của Thái Lan.
Đối với cá nhân HLV Miura, điều này còn thể hiện quan điểm huấn luyện của ông. Như đã biết, tại Asiad 17, ông gây bất ngờ khi không sử dụng bất kỳ cầu thủ nào trên 23 tuổi dù được phép bổ sung 3 cầu thủ quá tuổi. Chính Miura đã đưa đến 10 cầu thủ U.23 vào đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2014. Việc mạo hiểm đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ của ông Miura là hoàn toàn có cơ sở, khi đa số những người mà ông chọn hiện đang chơi thường xuyên tại V-League trong thành phần các CLB.
2. Không chỉ tin vào lớp trẻ, phong cách huấn luyện của Miura đang khiến người ta nhớ đến những tư duy khác biệt mà “phù thủy” Calisto từng áp dụng trước đây. Thay cho các bài tập chiến thuật, công việc chủ yếu của Miura là nhồi thể lực và làm công tác tâm lý. Chính những bài tập rất nặng của Miura khiến cho chấn thương liên tục xuất hiện trong những đợt tập trung đội tuyển, nhưng bù lại, khi bước vào thi đấu, đội bóng của Miura luôn có thể chơi bóng với cường độ cao suốt 90 phút.
Trước đây, bóng đá Việt Nam có thói quen tập trung các đội tuyển từ 2-3 tháng cho một giải đấu. HLV gần như hướng dẫn lại từ đầu các yếu tố kỹ, chiến thuật cho cầu thủ. Điều này không phù hợp với xu thế chung của bóng đá hiện đại khi mà các CLB luôn muốn cầu thủ của mình cống hiến ít thời gian cho tuyển quốc gia.
Trong khi đó, cách làm của HLV Miura là lựa chọn những người tốt nhất cho chiến thuật mà ông ta muốn áp dụng. Sau đó nhồi thể lực để có thể đáp ứng như yêu cầu chuyên môn và chỉ lên đấu pháp khi chuẩn bị bước vào thi đấu. Với cách làm này, cầu thủ nào vượt qua các bài kiểm tra thì mới trụ lại ở đội tuyển, hoàn toàn không có ngoại lệ nào dù đó là ngôi sao sáng giá nhất. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa khiến cầu thủ phải nỗ lực hết mình để bảo đảm chỗ đứng trong đội hình chính thức.
Những bài bản huấn luyện của ông Miura không mới nhưng nếu không phải là một chuyên gia ngoại, lại không làm được. Sự cả nể, tư duy vo tròn, lo ngại áp lực từ dư luận, khiến nhiều HLV Việt Nam ít dám mạo hiểm đầu tư đường dài. Ngược lại, HLV Miura đã tính đường xa ngay từ khi bắt tay vào công việc ở Việt Nam. Chỉ chưa đầy 1 năm, hiện trong tay HLV người Nhật Bản này đã xây dựng nên một thế hệ cầu thủ có thể chinh chiến trên mọi đấu trường quốc tế trong vòng 5 năm tới.