Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ và nỗi lo của phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dẫn trước đối thủ trong vòng bầu cử đầu tiên, nghĩa là phe đối lập sẽ phải rất vất vả ngăn ông nối dài quyền lực sang thập kỷ thứ 3 trong cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 28/5.

Kết quả bầu cử ngày 14/5 cho thấy ông Erdogan nhận được gần 50% số phiếu, thấp hơn đôi chút so với ngưỡng quá bán cần thiết, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều cử tri bận tâm. Cuộc bầu cử được theo dõi sát sao ở các thủ đô phương Tây, trụ sở NATO và Mátxcơva, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay thường đóng vai trò trung gian trong những mối quan hệ phức tạp và gây tranh cãi.

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ và nỗi lo của phương Tây ảnh 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) trong một lần gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Về chính thức, phương Tây không thể hiện ủng hộ ai, để tránh bị cáo buộc can thiệp vào chính trị nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một bí mật mà ai cũng biết là các lãnh đạo châu Âu, chưa kể chính quyền Mỹ Joe Biden, sẽ rất vui nếu ông Erdogan thất bại, New York Times viết.

Như cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt phát biểu hôm 12/5: “Chúng ta đều muốn một Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng hơn”, một thành viên ngày càng đóng vai trò quan trọng chiến lược trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành đối tác ngày càng phức tạp với Liên minh châu Âu (EU).

Trong suốt 20 năm cầm quyền, ông Erdogan thực hiện chính sách không liên minh, vì vậy thường xuyên chọc giận các đồng minh phương Tây và tạo cơ hội cho Nga, nhất là từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Nói rộng hơn, có một cảm giác mạnh mẽ ở EU và Washington rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan đang rời xa các giá trị và chuẩn mực của châu Âu.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Erdogan dự lễ đưa nhiên liệu vào dự án hạt nhân dân sự đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ USD do tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom xây dựng trở thành biểu tượng cho hợp tác kinh tế và năng lượng tốt đẹp giữa hai quốc gia, cũng như giữa hai nhà lãnh đạo.

Sự kiện ngày 27/4 diễn ra chưa đầy 3 tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. “Xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ và việc tạo nên một ngành công nghiệp công nghệ cao tiên tiến mới là một ví dụ thuyết phục nữa cho thấy những gì mà ngài, Tổng thống Erdogan, đang làm cho đất nước của mình, cho sự tăng trưởng kinh tế và cho tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin nói trong buổi lễ.

Theo giới quan sát, nhà lãnh đạo 69 tuổi của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp bảo vệ lợi ích của Nga khi làm suy yếu sự đoàn kết của NATO và từ chối áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Mátxcơva. Mùa hè năm ngoái, Nga chuyển hàng tỷ đô la cho chi nhánh của Rosatom ở Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bước đi mà giới chuyên gia cho là để hỗ trợ đồng nội tệ đang chao đảo của Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ khi làm thủ tướng những năm 2000 đến khi trở thành tổng thống, ông Erdogan nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, uy tín của ông sụt giảm khi lạm phát tăng vọt, khiến mức sống của người dân giảm mạnh.

Trong khi đó, ứng viên đối lập Kemal Kilicdaroglu (74 tuổi) tuyên bố sẽ xây dựng lại quan hệ với châu Âu và Mỹ. Điều này có thể mở cánh cửa để Thụy Điển gia nhập NATO nhanh hơn, bất chấp Nga phản đối mạnh mẽ. Ông Kilicdaroglu hứa sẽ duy trì hợp tác kinh tế với Nga nếu đắc cử, nhưng không rõ liệu chính trị gia này có duy trì cách tiếp cận cân bằng trong vấn đề Ukraine như ông Erdogan hay không. “Nếu ông Kilicdaroglu thắng cử, Nga sẽ phải chấp nhận việc ông xích lại gần phương Tây hơn ở mức độ nào đó, để ngăn ông ấy đứng hẳn về phía đó”, ông Mark Katz, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH George Mason (Mỹ), nhận định.

MỚI - NÓNG