Bầu cử EU: Nhiều dấu hiệu có thể thở phào

Các đảng ủng hộ EU vẫn giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa diễn ra. (Ảnh: BBC)
Các đảng ủng hộ EU vẫn giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa diễn ra. (Ảnh: BBC)
TPO - Theo kết quả bầu cử ngày 26/5, các đảng ủng hộ củng cố Liên minh châu Âu (EU) nắm được 2/3 số ghế trong Nghị viện châu Âu, trong khi lực lượng dân tộc chủ nghĩa và cực hữu giành được chỗ đứng vững hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người luôn dành công sức thuyết phục người dân châu Âu rằng EU là câu trả lời cho những thách thức của tình trạng bất định, toàn cầu hoá kinh tế thế giới, đã vấp phải trở ngại lớn khi bị lực lượng Đoàn kết quốc gia mang tư tưởng chống Brussels và chống nhập cư của bà Marine Le Pen đẩy xuống vị trí thứ hai. 

Nhưng phe Phục hưng của ông Macron, được xây dựng trên đống đổ nát của các đảng trung tả và trung hữu, đã bổ sung vào chiến thắng của lực lượng mang tư tưởng tự do ở EU khi phe này nhận được tỷ lệ ủng hộ tăng vọt trên toàn khối. 

Tỷ lệ phiếu dành cho đảng Xanh tăng mạnh khiến 4 nhóm ủng hộ EU mất dưới 20 ghế và giữ được 505 trong tổng số 751 ghế, theo tính toán của Nghị viện châu Âu. 

Điều đó có thể làm phức tạp quá trình hoạch định chính sách, khi “liên minh lớn” giữa đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và đảng Xã hội (S&D) không còn giữ được đa số. Phe tự do, nắm được hơn 100 ghế, và đảng Xanh, với gần 70 ghế, đang muốn có tiếng nói lớn hơn. 

Điều đó gây thất vọng cho bà Le Pen, Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvivi và những người khác đang muốn cản trở EU tiếp tục hội nhập. Ông Salvini từng nói cuộc bầu cử lần này là một sứ mệnh để cải tổ triệt để Brussels.

Nhưng căng thẳng trong phe dân tộc chủ nghĩa, bao gồm các đảng cầm quyền ở Ba Lan và Hungary và đảng Brexit mới ở Anh của ông Nigel Farage, đã hạn chế tầm ảnh hưởng của họ.

“Điều quan trọng là thành tựu của lực lượng cực đoan không đáng kể lắm”, Reuters dẫn lời ông Guntram Wolff, giám đốc tổ chức tư vấn chính sách kinh tế Bruegel.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel viết trên Twitter: “Châu Âu thắng! Tỷ lệ đi bầu rất cao và các đảng ủng hộ châu Âu mạnh nhất”. 

Xu thế đáng mừng

Giới chức châu Âu rất mừng khi tỷ lệ đi bầu lên đến 51%, cao hơn tỷ lệ 43% của năm 2014. Đây là lần đầu tiên xu hướng giảm số lượng cử tri đi bầu cử EU được đảo ngược kể từ khi cuộc bầu cử trực tiếp của EU được tổ chức năm 1979. 

Đây là tỷ lệ bỏ phiếu cao nhất trong 20 năm qua, giúp gạt bỏ những ý kiến rằng “sự thâm hụt dân chủ” đang làm giảm tính chính danh của EU.

Khi EU đang đối mặt với những thách thức chưa từng có từ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin và nỗi lo lắng về quyền lực đang lên của Trung Quốc, việc hồi sinh sự quan tâm của người dân và ngăn chặn chỉ trích là điều đáng mừng đối với những ai ủng hộ khối. 

Tiếng nói mạnh hơn cho phe tự do và đảng Xanh sẽ dẫn đến việc đội ngũ lãnh đạo EU trong nhiệm kỳ tới sẽ cứng rắn hơn trong việc quản lý các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, đánh thuế các công ty đa quốc gia hay đòi hỏi các đối tác thương mại phải giúp sức đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Làn sóng Xanh

Tại Đức, phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel mất 7 điểm phần trăm so với tỷ lệ giành được cách đây 5 năm, trong khi đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức giành thêm 4 điểm phần trăm lên 11%. Nhưng gây chú ý nhất là đảng Xanh, vì lực lượng này đã tăng gấp đôi số phiếu ủng hộ lên 21%, chỉ xếp sau đảng Dân chủ Xã hội.

Nước Anh tổ chức bầu cử từ thứ Năm tuần trước, nhưng đến cuối ngày 26/5 mới công bố kết quả. BBC cho biết đảng Brexit của ông Farage dự kiến giành chiến thắng lớn. Điều này phản ánh sự giận dữ của người dân trước thực tế rằng nước Anh vẫn còn trong EU, 2 tháng sau khi thời hạn Brexit trôi qua.

Ông Farage quyết tâm sẽ không ngồi lâu ở Brussels, dù tình hình Brexit sau khi Thủ tướng Theresa May từ chức vẫn chưa có gì chắc chắn. 

Tại Pháp, một quan chức trong đội của Tổng thống Macron thừa nhận có “thất vọng một chút” khi phong trào Phục hưng chỉ giành được 22%, để mất vị trí số 1 vào tay lực lượng Đoàn kết quốc gia của bà Le Pen, với tỷ lệ phiếu giành được khoảng 24%. Nhưng số phiếu gộp lại của các đảng ủng hộ EU vẫn chiếm đa số, khi đảng Xanh ở Pháp đứng ở vị trí thứ ba. 

Tương đồng với tình hình ở Đức, kết quả ở Pháp được cho là do kỳ vọng vào một “làn sóng xanh” sẽ tác động đến chính sách ở Brussels trong các năm tới.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG