Bát nháo trông giữ xe tại Hà Nội

Có bảng giá, nhưng điểm trông xe trước BV Phụ sản T.Ư vẫn thu giá cao Ảnh: T. Đảng
Có bảng giá, nhưng điểm trông xe trước BV Phụ sản T.Ư vẫn thu giá cao Ảnh: T. Đảng
TP - Chiếm dụng lòng đường, sử dụng vé quay vòng và thu phí vô tội vạ là thực trạng của các điểm trông giữ xe ở Thủ đô. Từ hôm nay, Tiền Phong khởi đăng loại bài về vấn nạn này.

> Đề xuất xây thêm 50 bãi đỗ xe hiện đại
> Công an hóa trang dẹp các điểm vi phạm

Bài 1: Niêm yết một đằng, thu một nẻo

Có bảng giá, nhưng điểm trông xe trước BV Phụ sản T.Ư vẫn thu giá cao Ảnh: T. Đảng
Có bảng giá, nhưng điểm trông xe trước BV Phụ sản T.Ư vẫn thu giá cao. Ảnh: T. Đảng.

Loạn thu, không cả vé!

Ngoài biển báo, các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội còn phải niêm yết công khai giá vé. Quy định là vậy nhưng thực tế thu thế nào thì hầu hết các điểm trông giữ xe tự quyết định.

Nằm giữa trung tâm Hà Nội, hằng ngày điểm trông giữ ô tô tại khu vực hàm cá mập (bờ hồ Hoàn Kiếm) có hàng chục ô tô vào gửi. Tuy nhiên, trong vai người dân có nhu cầu gửi ô tô (bốn chỗ), sáng 8-6 nhóm phóng viên Tiền Phong đã cho xe vào điểm này. Nhưng thay vì đánh số, đưa vé theo quy định, một nhân viên đeo phù hiệu có tên Nguyễn Hoài Thanh nói “cứ đi đi, không cần vé đâu”.

Khoảng 30 phút sau, phóng viên quay lại lấy xe, các nhân viên ở đây thu 20.000 đồng phí, trong khi đó bảng niêm yết ghi rõ: “Xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống thu 10.000 đồng/lượt (120 phút)”. Điểm trông giữ xe này do Cty TNHH Hà Nội bốn mùa quản lý. Đi xe đến các điểm trông giữ ô tô ở khu vực chợ Đồng Xuân, chúng tôi cũng bị các nhân viên ở đây thu với giá 20.000 đồng/ lần gửi và không đưa vé. Nhân viên ở đây nói rằng họ vừa hết vé.

Người dân có việc phải vào các khu vực trung tâm, tuyến phố chính và các bệnh viện, bến xe đều bị nhân viên các điểm trông giữ xe máy thu với mức phí cao gấp nhiều lần quy định. Mọi việc ngang nhiên diễn ra ngay cả khi liên ngành công an - giao thông đang hóa trang xử lý các điểm vi phạm.

Sáng 6-6, mới 8h, nhưng cổng Bệnh viện Phụ Sản Trung ương chật kín phương tiện ô tô, xe máy. Do không có chỗ đậu nên nhiều ô tô từ 9 chỗ trở xuống đến đây chỉ dừng khoảng chục giây là phải di tản ngay, các xe máy thì chen chúc leo lên vỉa hè phố Triệu Quốc Đạt, nơi có treo tấm biển “Điểm trông giữ xe bệnh viện”.

Ngoài tấm biển này, nhiều người dân đến Bệnh viện Phụ Sản Trung ương sáng 6-6 còn thấy điểm trông giữ xe có niêm yết giá 2.000 đồng/lượt gửi xe máy. Nhiều người bị nhân viên thu với giá 3.000 đồng, chiều tối là 5.000 đồng mỗi lần gửi. Tại các khu vực như phố cổ, phố đi bộ, bến xe, ga tàu… tình trạng loạn giá cũng xảy ra phổ biến. Trung bình các điểm trông giữ xe ở đây vẫn thu của người dân từ 3.000 đến 5.000 đồng/ lượt xe máy.

Trước thực trạng loạn giá gửi xe tại nhiều bệnh viện, cuối tháng 5 vừa qua UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 3916, yêu cầu các cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng này. Riêng với 6 bệnh viện xảy ra loạn giá và đã bị lực lượng liên ngành xử phạt nhiều lần như Bệnh viện Hà Đông, Lao và Phổi, Thanh Nhàn, Phụ sản, Đa khoa Đức Giang, Xanh - Pôn, lãnh đạo bệnh viện phải kiểm điểm trách nhiệm.

Đến nay đã gần nửa tháng văn bản số 3916 có hiệu lực, nhưng thực tế tình trạng loạn giá ở cả 6 bệnh viện này vẫn tiếp diễn. Nhiều người dân đến đây những ngày qua vẫn bị các điểm trông giữ xe thu từ 3.000 đến 4.000 đồng/lượt xe máy.

Ông Trần Đăng Huấn, Phó giám đốc Bệnh viện Hà Đông cho biết, do bệnh viện không có đủ nhân viên quản lý điểm trông giữ xe nên đã ký hợp đồng với một đơn vị tư nhân bên ngoài vào làm nhiệm vụ này. Vi phạm về giá vẫn xảy ra vì bệnh viện không đủ người để giám sát thường xuyên, bà Phùng Nhã Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh - Pôn Hà Nội cho rằng, do giá thuê nhân công cao nên ngoài nâng giá, tổ bảo vệ đã sử dụng vé quay vòng để bớt một phần chi phí.

Khoán quản = Thu là chính...

Năm 2008, TP Hà Nội đã chấp thuận cho mô hình “khoán quản” được triển khai. Tuy nhiên, trước khi nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT và UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm mô hình này trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Cụ thể, doanh nghiệp (DN) được vào đấu thầu các tuyến phố (cả hè và đường) làm dịch vụ trông giữ xe thu tiền - (khoán- PV), đổi lại DN phải thực hiện công tác đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường trên các tuyến phố hoặc khu vực thực hiện “khoán quản” - (quản - PV).

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận và Sở GTVT bắt đầu thực hiện mô hình này từ tháng 10-2008. Có 5 doanh nghiệp (DN) được Sở GTVT và UBND quận Hoàn Kiếm lựa chọn để thầu các tuyến phố thực hiện mô hình này.

Sau gần 3 năm thực hiện mô hình này, tình hình loạn giá trông giữ xe tại quận Hoàn Kiếm còn diễn biến phức tạp hơn. Cùng với đó, trật tự phố phường cũng chưa được thiết lập khi tình trạng hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn lộn xộn.

Trên phố Trần Hưng Đạo, người dân có thể ngồi uống trà đá, đụng hàng rong ở bất kỳ đâu. Cùng với đó vỉa hè tại nhiều khu vực còn bị các điểm trông giữ xe “khoán quản” phong tỏa, nhất là đoạn trước cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, bệnh viện Tim Hà Nội, ngân hàng Vietinbank. Không chỉ chiếm vỉa hè, điểm trông giữ xe tại bệnh viện Tim Hà Nội lâu nay còn được người dân biết đến với tình trạng loạn giá.

Có mặt tại điểm trông giữ xe này sáng 7-6, phóng viên cũng là “nạn nhân” của tình trạng này. Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều tuyến phố đang thực hiện “khoán quản” khác.

Theo các chuyên gia mô hình “khoán quản” không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn tạo vỏ bọc cho các DN làm mưa làm gió trên các tuyến phố.

Phí trông xe máy: Ban ngày 2.000 đồng/lượt, ban đêm 3.000 đồng/lượt (vé tháng 45.000 đồng/xe); Ô tô: xe 9 chỗ ngồi trở xuống 10.000 đồng/lượt, gửi qua đêm giá vé bằng 3 lượt gửi thường (vé tháng 500.000 đồng (không mái che)/xe). Xe đạp: ban ngày 1.000 đồng/lượt, ban đêm 2.000 đồng/lượt.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG