Bắt người khác phải thông cảm

Bắt người khác phải thông cảm
TP - “Mong anh (chị) thông cảm, nhà hàng hôm nay đông khách nên phục vụ hơi chậm”, những ai ít nhiều đi nhà hàng ở nước ta hẳn đã có lần nghe nhân viên nhà hàng nói như thế.

Thậm chí: “Mong anh (chị) thông cảm, dùng tạm món này vì lúc nãy tiếp viên nghe nhầm nên đã báo với nhà bếp làm”. Chẳng lẽ cãi cọ để bữa ăn mất ngon. Dù sao, cũng chỉ là sai sót của nhân viên nhà hàng.

“Mong bác thông cảm, lãnh đạo vẫn chưa ký, hẹn bác ngày mai trở lại”, anh nhân viên ở phòng tiếp dân nói với một công dân. Vị công dân đã lớn tuổi nhăn nhó: “Hẹn hai lần rồi, tôi thì đi lại khó khăn”. “Dạ mong bác thông cảm, đầu năm lãnh đạo bận nhiều việc quá”. Anh ta chỉ tiếp nhận và trả đơn, không có quyền giải quyết, dù sao cũng được lời nói nhẹ nhàng, vị công dân thở dài ra về.

Có ông Viện trưởng Viện kiểm sát một địa phương trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đã nói như thế này: “Mong các đại biểu thông cảm, những năm qua công tác truy tố có nhiều oan sai là do đội ngũ kiểm sát viên thiếu và yếu, chúng tôi làm được như thế cũng cố gắng lắm rồi”. Nghe qua có vẻ mộc mạc, tình cảm. Nghĩ lại thấy trả lời giống sự đùa cợt, người nghe có điều gì đó cảm thấy bị xúc phạm.

Lại một số cán bộ ngành giao thông vận tải mong nhân dân thông cảm vì nạn kẹt xe trầm trọng ở thành phố. Ngành điện lực mong nhân dân thông cảm vì phải cắt điện luân phiên. Ngành y tế mong nhân dân thông cảm vì tình trạng quá tải ở các cơ sở chữa bệnh. Ngành dạy nghề mong nhân dân thông cảm vì chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động.v.v. Nghe qua hơi mát tai nhưng nghe hoài lại thấy như bị phỉnh phờ, lừa gạt.

Thông cảm là hiểu và bỏ qua, tha thứ cho những thiếu sót của người khác. Với những vấn đề xin thông cảm kể trên, dĩ nhiên người nghe rất hiểu song bỏ qua, tha thứ thì khó bởi kéo dài đã quá nhiều năm, nói đi nói lại đã nhàm tai. Nhưng không bỏ qua, không tha thứ thì có thể làm gì? Không làm được gì cả! Vậy nên phải thông cảm thôi. Người xin thông cảm đã trở thành người bắt người khác phải thông cảm.

Đó thực chất là bắt người khác phải chịu đựng sự yếu kém của bản thân mình. Dường như cũng là thói quen của một số người có chức quyền ở nước ta, khi bộc lộ yếu kém không biết xin lỗi mà hay xin thông cảm.

Xin lỗi là để khắc phục còn xin thông cảm là để xí xóa. Yếu kém đã nhận thức mà không khắc phục được tất yếu dẫn đến từ chức. Còn yếu kém khi xin thông cảm là đã ẩn chứa trong đó tư tưởng không muốn kiên quyết khắc phục, chỉ muốn lấp liếm, cười xòa cho qua chuyện. Thói quen bắt người khác phải thông cảm không phù hợp trong thời đại văn minh. 

MỚI - NÓNG