Vùng Bắc cực là phần nằm xa nhất về phía bắc của Trái Đất. Đây là nơi Mặt Trời chỉ mọc và lặn mỗi năm một lần, một khi Mặt Trời đã mọc thì nó sẽ tỏa sáng suốt sáu tháng, trong khi nếu Mặt Trời đã lặn thì cả vùng đất này chìm trong bóng tối suốt nửa năm còn lại. Vào mùa đông, hiếm khi nào nhiệt độ vượt mức 0 độ C, cây cối thậm chí không thể sinh trưởng nhưng động vật nơi đây khá phong phú.
Vào những tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình của vùng Bắc cực là -20°C. Trong thực tế, nơi đây thường xuyên chạm mức -50°C và đó chưa phải là mức nhiệt thấp nhất từng đạt được ở nơi này. Cũng như gió mạnh thổi rất thường xuyên mang theo khí lạnh thấu xương.
Với điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt như vậy, nhưng nhiều loài động vật như gấu, mèo, sói, chồn và các loài chim, động vật có vú khác sống ở đây từ rất lâu và đã thích nghi được với điều kiện sống lạnh giá này; và chúng là những loài có ngoại hình rất độc đáo nhưng cũng đẹp tuyệt vời.
Cú tuyết
Hầu hết các loài cú trên Trái Đất đều ngủ vào ban ngày và hoạt động vào ban đêm, nhưng những con cú tuyết ở vùng Bắc cực thì có thời gian sinh hoạt ngược lại. Lý do là bởi ban đêm nơi đây rất lạnh giá, cũng như ban ngày có nhiều loài vật là thức ăn của cú tuyết khi thức giấc.
Là một loài chim săn mồi, khẩu phần ăn của cú tuyết chủ yếu là những con chuột Lemming (một tông động vật gặm nhấm nhỏ sống ở vùng khí hậu lạnh giá). Thực tế, một gia đình cú tuyết có thể ăn đến 1.500 con chuột Lemming trước khi cú tuyết non trưởng thành và lập gia đình mới.
Cú tuyết là loài chim rất nhanh nhạy và mạnh khỏe, chúng bay rất nhanh và tốc độ này có thể làm ngã một người trưởng thành nếu chẳng may va chạm với nó.
Gấu Bắc cực
Gấu Bắc cực thích nghi hoàn toàn tốt với vùng Bắc cực. Trong thực tế, chữ “arctic” (chỉ Bắc cực trong tiếng Anh) có nguồn gốc từ chữ “arktos” (chỉ gấu trong tiếng Hy Lạp). Và thật vậy, chỉ có loài gấu trắng sống ở vùng Bắc cực chứ không có gấu sống ở vùng Nam cực, và chữ “Antarctic” (chỉ Châu Nam Cực trong tiếng Anh) có nghĩa là đối nghịch lại.
Loài gấu trắng Bắc cực có khứu giác vô cùng ấn tượng. Theo Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã Thế giới, một chú gấu Bắc cực có thể ngửi thấy mùi của một con hải cẩu đang lặn sâu dưới nước hoặc ở đâu đó cách xa gần một cây số. Hoặc thậm chí khi một con vật đi qua và để lại dấu chân, con gấu vẫn có thể nhận biết được.
Hải cẩu râu
Loài hải cẩu râu có một cái đầu chịu lực rất tốt. Với chiếc đầu cứng rắn, nó có thể đập vỡ những lớp băng dày trên mặt hồ nước để có lỗ lưu thông khí với bên trên hoặc để chui xuống bên dưới nước.
Chúng có thể hát với sóng siêu âm. Con đực phát ra âm thanh khi bơi lội dưới nước để thu hút sự chú ý của các con cái vào mùa giao phối. Tai người không thể nghe được vì nó vượt quá ngưỡng nghe của chúng ta, nhưng các thiết bị công nghệ hiện đại có thể thu âm được, và âm thanh đó nghe thật kỳ lạ và ám ảnh.
Cá voi trắng
Phần trán của cá voi trắng rất đặc biệt, nó có thể thay đổi hình dạng của trán bằng cách lưu thông không khí trong thùy xoang. Làm trán phồng ra giúp cá voi trắng phát ra sóng âm và nhận lại sóng phản xạ để dựng bản đồ và định vị đường đi khu vực xung quanh.
Một chú cá voi trắng tại Viện Hải dương học Vancouver, Canada. Ảnh: Shutterstock.
Theo Cục bảo tồn Cá voi và Cá heo Quốc gia Hoa Kỳ, cá voi trắng được gọi là chim hoàng yến của biển cả, bởi nó có thể tạo ra ít nhất là loại 11 âm thanh khác nhau cho nhiều mục đích khác nhau như định vị, tìm đồng loại, hay thậm chí bắt chước được âm thanh lời nói của con người.
Linh miêu Canada
Loài linh miêu Canada có bàn chân lớn với các ngón chân mở rộng, cho phép chúng di chuyển dễ dàng trên tuyết dày. Bàn chân chúng giống như những đôi giày đế gỗ của chúng ta, giúp phân bố đều khối lượng của cơ thể đến các chi một cách đồng đều.
Loài linh miêu tuyết này chủ yếu ăn thỏ rừng tuyết, những chú thỏ rất nhanh nhẹn nhưng những con linh miêu còn nhanh hơn. Linh miêu nằm yên và canh con mồi rất lâu, thậm chí đến hàng giờ hay mất cả một buổi, rồi bất ngờ phóng ra vồ lấy chú thỏ đáng thương.
Chim biển puffin vùng cực
Loài chim biển puffin trông giống như những chú gà con mới nở hay những chú thỏ con, với ngoại hình nhiều lông dày đặc và cuộn tròn như một quả bóng bông. Những chú chim này tuy chỉ cao khoảng 25 cm, nhưng có thể tìm được thức ăn rất giỏi và lúc nào cũng ngậm đầy thức ăn trong mỏ.
Trong thực tế, những chú puffin có thể ngậm cùng lúc 10 con cá và mang về tổ chỉ trong một lần đi săn mồi. Kỷ lục từng ghi nhận bởi các chuyên gia khi một chú puffin sống ở vùng biển nước Anh mang cùng lúc đến 62 con cá.
Những chú chim biển puffin nổi bật với đôi chân và cái mỏ màu cam sáng đặc trưng, nhưng chỉ khi vào mùa sinh sản, và thường là vào mùa xuân khi thời tiết ấm dần lên. Khi qua mùa sinh sản, những phần màu cam trên cơ thể dần thu nhỏ và cơ thể của nó trở nên xám màu hơn.
Cáo tuyết Bắc cực
Những lớp lông dày giúp cáo Bắc cực có thể chống chịu được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ thấp ở đây. Thêm vào đó, những con cáo Bắc cực còn có lông mọc ở bàn chân, giúp chúng đi qua băng và tuyết một cách dễ dàng.
Cáo tuyết Bắc cực có thể đổi màu lông vào các mùa khác nhau trong năm. Ảnh: Shutterstock.
Vào những tháng mùa hè, cáo tuyết Bắc cực chuyển màu của bộ lông thành nâu hoặc xám, chúng chỉ có bộ lông trắng như tuyết vào mùa đông. Theo Cơ quan Địa lý Canada, cáo Bắc cực là loài duy nhất có thể thay đổi màu sắc bộ lông vào từng mùa khác nhau.
Thỏ Bắc cực
Những chú thỏ vùng cực có thể chạy nhảy với tốc độ lên đến 65 km/giờ, trong khi đó tốc độ của Usain Bolt - người chạy nhanh nhất thế giới - là 37 km/giờ trong cự ly chạy 100 mét. Nhưng nó không chỉ ấn tượng về tốc độ.
Nếu một chú thỏ nhận thấy nó bị đe dọa khi có thú dữ vồ đến, nó sẽ nhanh chóng thu lại một chi bất kỳ vào sát cơ thể, rồi phóng đi chỉ với ba chi còn lại và nhanh chóng biến mất, chỉ để lại 3 dấu chân tay trên mặt tuyết.
Kỳ lân biển
Độc giác ngư, cá một sừng hay kỳ lân biển, được biết đến với chiếc sừng to lớn nhô ra từ đỉnh đầu của chúng. Thực tế từng ghi nhận, chiếc sừng lớn nhất của những con kỳ lân biển dài đến 3 mét.
Chiếc sừng thật ra là một chiếc răng nối dài. Ảnh: Shutterstock.
Những chiếc sừng này thật ra là những chiếc răng to, chứng khoảng 10 triệu tế bào thần kinh. Điều này giúp kỳ lân biển có thể nhận biết được cảm giác qua chiếc sừng. Tên gọi “narwhal” với “nar” là cái xác chết và “whal” (whale) là cá voi, bởi vì nó có màu xám trắng giống như một con cá voi đã chết.
Sói Bắc cực
Bộ lông dày của loài sói sống ở vùng Bắc cực cho phép chúng chịu được nhiệt độ âm. Vào đỉnh điểm của mùa đông khi nhiệt độ xuống quá thấp, chúng sẽ tự mọc thêm một lớp lông thứ hai nữa để giữ ấm tốt hơn.
Khả năng sinh tồn của loài này cũng rất đáng nể, chúng có thể sống khỏe mạnh suốt 5 tháng vào mùa đông khi không có sự xuất hiện của ánh sáng Mặt Trời, trong khi hầu hết những động vật có vú khác bắt đầu ngủ đông.
Cừu Dall
Có thể biết được tuổi của cừu Dall dựa vào cặp sừng của nó. Ảnh: Shutterstock.
Chiếc sừng của cừu Dall mọc dài ra và uốn thành những vòng tròn được gọi là annuli, tuổi của cừu Dall có thể được xác định bằng cách dựa vào các annuli. Điều này giống như số vòng vân gỗ bên trong của cây. Phải mấy từ bảy đến tám năm để một con cừu Dall phát triển đầy đủ một cặp annuli.
Nhàn Bắc cực
Những con nhàn biển Bắc cực là loài di cư rất tích cực, mỗi năm chúng bay được khoảng cách 40.200 km và lúc nào cũng thấy được mùa hè. Đến mùa đông ở Bắc cực, chúng sẽ bay thành đàn lớn để về phương nam và thưởng thức mùa hè tại đây. Nó là loài chim bay xa nhất trong số các loài chim.
Vì dành phần lớn thời gian để di cư và bay khoảng cách xa như vậy, loài chim này tiến hành tìm bạn tình và thực hiện giao phối ngay trong chuyến bay. Một con nhàn biển sống được khoảng 30 năm. Vì thế chúng sẽ bay được 2,4 triệu km – tương ứng ba lần "khứ hồi" từ Trái Đất đến Mặt Trăng – trong suốt cuộc đời mình.