Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người xấp xỉ 2,8 triệu đồng/ tháng, giảm 3,3% so với 2020. Dưới tác động của COVID-19, các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt ở khu vực thành thị.
Năm 2022, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu (Dữ liệu: Chi tiêu bình quân đầu người/tháng, Tổng cục Thống kê). |
Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6% so với năm 2020), nông thôn là gần 2,5 triệu (tăng 4,7% so với năm 2020). Năm 2022, khoảng cách này thu hẹp chủ yếu do người thành thị giảm chi tiêu.
Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao (95,5%) trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Năm 2022, chi đời sống bình quân một người là 2,7 triệu đồng/ tháng. Mức chi ở các hộ giàu nhất là 4,1 triệu đồng/ người/ tháng, cao hơn 3,2 lần nhóm nghèo nhất. Chênh lệch đã thu hẹp đáng kể so với năm 2020 (5,7 lần), lý do là chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (từ 5,7 triệu đồng năm 2020 xuống còn 4,1 triệu đồng năm 2022).
Trong khi đó, nhóm giàu nhất có thu nhập bình quân tháng đạt 10,23 triệu đồng/ người, cao gấp 7,6 lần so với nhóm nghèo nhất. Thu nhập bình quân ở nhóm giàu nhất cũng cao gần gấp đôi mức bình quân chung năm 2022 là 4,67 triệu đồng/ người.
Thu nhập bình quân đầu người/ tháng trong 10 năm qua (Dữ liệu: Tổng cục Thống kê). |
Thu nhập bình quân đầu người/ tháng trở lại xu hướng tăng, sau 3 năm liền trước liên tục giảm. So với năm 2021, thu nhập ở thành thị và nông thôn đều tăng trên 10%. Tại thành thị, lao động có thu nhập bình quân gần 5,95 triệu đồng/ tháng, cao gấp 1,54 lần nông thôn (3,86 triệu đồng/ tháng).
Lao động ở Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân cao nhất cả nước, 6,33 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, lao động vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ kiếm được bình quân 3,17 triệu đồng/tháng.
Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, 6 tháng cuối năm mới bắt đầu phục hồi. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của nhiều yếu tố: thay đổi hành vi tiêu dùng, giá tăng (hàng hóa, xăng dầu), hạn chế nguồn cung dịch vụ (ăn uống ngoài gia đình, du lịch, giải trí…).
"Mặc dù chi tiêu giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch. Bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị nông thôn, các vùng, và giữa nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao. Do vậy các chính sách phục hồi sau đại dịch cần trọng tâm vào nhóm người yếu thế hơn trong xã hội", Tổng cục Thống kê đề xuất.