Đó là một cuộc tiếp xúc gần (từ góc độ vũ trụ). Quỹ đạo của thiên thạch này đã mang nó qua Nam Cực trong vòng bán kính 3.000 km từ Trái đất, gần hơn một số vệ tinh - khiến nó trở thành thiên thạch thứ ba tiếp cận hành tinh của chúng ta mà không thực sự va vào, CNET đưa tin .
Các nhà khoa học không biết về vật thể này và nó được gọi là Thiên thạch 2021 UA1 vì nó tiếp cận phía ban ngày của Trái đất từ hướng của mặt trời. "Vị khách" tương đối mờ và nhỏ bé này đã không bị phát hiện cho đến khoảng 4 giờ sau khi đi ngang qua điểm gần nhất với Trái đất.
UA1, viên thiên thạch với đường kính chỉ 2 m, quá nhỏ để gây ra mối đe dọa cho Trái đất. Ngay cả khi va vào Trái đất, nó sẽ bị đốt cháy trong khí quyển trước khi có thể chạm vào Trái đất.
NASA cho biết, một vật thể được coi là nguy hiểm phải có đường kính ít nhất là 140 m. UA1 không đủ lớn để đe dọa Trái đất.
Với những thiên thạch và tiểu hành tinh lớn hơn có thể đang tiến về phía chúng ta thì sao? NASA cũng đang nghiên cứu các công nghệ phòng thủ để bảo vệ Trái đất khỏi các vụ va chạm có thể xảy ra với các thiên thạch lớn hơn, bằng việc làm lệch hướng đi của chúng.
Đại diện NASA cho biết, chương trình thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi (DART), dự kiến khởi động vào ngày 24/11, sẽ thử nghiệm một phương pháp chuyển hướng các tiểu hành tinh bằng cách dùng bằng tàu vũ trụ điều khiển từ xa tốc độ cao va vào chúng.
Tuy nhiên, để chuyển hướng một tiểu hành tinh, NASA sẽ cần phải phát hiện ra nó trước khi nó va vào Trái đất. Đó là lý do tại sao một nhiệm vụ khác, NEO Surveyor, đang phát triển một kính viễn vọng không gian hồng ngoại có thể cải thiện cơ hội theo dõi các thiên thạch như UA1 tiếp cận từ phía sau mặt trời.