Thiên tài, bậc thầy, biểu tượng Federer từ đâu ra? Sau chiến thắng của tuyển Thụy Sĩ ở chung kết Davis Cup, giới truyền thông quốc tế thay phiên nhau kể chuyện về một tay vợt xuất thân từ thành phố Basel ồn ào, quậy phá chứ không khép kín như mọi người tưởng. Tuần này, đến lượt nhật báo L’Equipe của Pháp đi tìm dấu vết của nhà vô địch. Tờ báo đăng tải một bài phóng sự dài về thời thơ ấu của một tay vợt trẻ rất tài năng nhưng gây ngạc nhiên cho những gì bây giờ mới biết đến anh - nóng tính khủng khiếp.
Ở tuổi 73, bà Madeleine Barlocher (cựu phụ trách chương trình đào tạo trẻ ở CLB TC Old Boys, nơi Federer từng thi đấu một thời gian) làm chứng về thời niên thiếu của Federer. “Thời gian đã trôi qua hơn 20 năm, nhưng tôi có cảm giác như ngày hôm qua”. Bà kể Roger quậy phá như thế nào cùng với người bạn thân Marco Chiudinelli. Những câu chuyện bà kể đáng được bán với giá hời. Từ cái lần mà Roger không dám cầm vợt sau khi nhuộm tóc màu vàng óng, cho đến tất cả những lần gây hấn, “cậu ngạo nghễ cười vào mũi đối phương và nói: “Với cú đánh đó tôi sẽ đoạt Wimbledon!””.
Giờ đây Roger còn lại gì từ một đứa trẻ nóng nảy, hay thậm chí một số người từng gọi anh là “tiểu quỷ satan”? Đó là đức tính khiêm tốn được người Pháp ngưỡng mộ hồi cuối tuần qua. Đó là đức tính quyết tập luyện “càng nhiều có thể từ CLB cũng là nhà” để ban huấn luyện không phải nghe những tiếng la chộ, bà Madeleine giải thích. Tính khí nóng nảy, quậy phá của Roger tồn tại “cho đến khi anh đến gặp một nhà tâm lý thể thao hồi năm 2000, tự giải phóng khỏi quỷ dữ trong con người anh, và bắt đầu con đường thẳng tiến vinh quang”, L’Equipe nhấn mạnh.
Nếu bà Madeleine không đếm nổi những cây vợt bị Roger đập gãy nát vào thời đó, thì giờ đây bà khẳng định rằng mọi người thừa nhận chất Basel của Federer “mặc chiếc áo thun gọn gàng, lịch lãm và rất hợp thời trang”. Bà nói: “Roger thật hoàn hảo, lịch lãm… cởi mở nữa, giống như thành phố Basel có 3 đường biên giới. Cậu ấy thích trở về quê nhà bởi nơi đây chẳng ai làm phiền người nổi tiếng. Một ngày nọ, những người Mỹ hỏi tôi: “Nhưng tại sao không có khắp nơi trong CLB và trong thành phố những bức ảnh khổng lồ của Roger, giống như ở thành phố quê hương của Peter Sampras ở Mỹ?” Nhưng như thế, đó không phải là tinh thần, lối sống của chúng tôi”.
L’Equipe kết luận rằng cuối cùng CLB nhỏ bé chỉ được thơm lây chút xíu từ tương lai của tay vợt số 2 thế giới. Tờ báo viết: “Trong CLB như là nhà này, do thiếu công thức chế biến, nhà hàng bị đóng cửa và bà Svetlana Zivkovic có nguy cơ mất việc ở quán bar mà bà làm việc từ những năm Roger còn đến tập”. Nỗi buồn lớn nhất mà CLB này gánh chịu bấy lâu nay chính là sự ra đi không hẹn ngày trở lại của Roger. Bà Madelein tâm sự: “Tôi cảm thấy rất buồn vì cậu ấy không bao giờ trở lại đây. Khi cậu ấy còn trẻ, có nhiều người, nhiều nhà tình nguyện và các nhà tài trợ giúp đỡ cậu ấy và đội tuyển tài năng về mặt tài chính. Những người làm việc lâu năm ở đây không hài lòng vì cậu ấy không trở lại thăm chúng tôi. Tôi không dám nói điều này cho mẹ cậu ấy biết. Nếu cậu ấy trở lại, tôi sẽ vuốt lên mái tóc cậu ấy như khi cậu ấy còn trẻ. Trong giấc mơ, tôi thấy chúng tôi tập hợp tất cả các tay vợt trẻ trên sân số 1 và Roger dạy cho bọn trẻ chơi bóng. Chúng tôi còn mời các phụ huynh, gia đình và chúng tôi chuẩn bị bữa tiệc ngoài trời trên hành lang của CLB… Như trước đây. (…) Và tôi, ở cuối bữa tiệc, tôi nói với cậu ấy điều gì tôi thích nhất khi gặp lại cậu ấy ở đây, trong CLB nhỏ của Thụy Sĩ, nơi cậu ấy bắt đầu hành trình thế giới vĩ đại”.
Theo Công Đạm