Sao công an không xin lỗi?
Tại buổi xin lỗi công khai này, đại diện TAND huyện Tuy Đức, Công an và Viện KSND đồng cấp, cùng chính quyền địa phương và đông đảo người dân đến dự.
Ông Nguyễn Văn Hồng, mới được điều về làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức nói, thay mặt cho cơ quan tiến hành tố tụng, TAND huyện Tuy Đức đến đây để công khai xin lỗi và cải chính công khai phục hồi danh dự cho ông Võ, bà Thưởng, cũng như gia đình của ông bà.
“Trong quá trình tiến hành tố tụng, chúng tôi nhận thấy việc cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức khởi tố và bắt tạm giam ông Võ, Viện KSND huyện Tuy Đức, tòa án đã đưa ra xét xử về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" là oan sai cho ông Võ và bà Thưởng.
Nay tôi đại diện cho Tòa án huyện Tuy Đức cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng trong huyện chân thành xin lỗi ông Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng, cùng với gia đình của ông bà về những thiệt hại mà chúng tôi đã gây ra suốt trong quá trình giải quyết vụ án. Mong ông bà và gia đình chấp nhận lời xin lỗi của chúng tôi” – Chánh án TAND huyện Tuy Đức Nguyễn Văn Hồng nói.
Những người dân đến dự, bày tỏ sự bức xúc trước việc chỉ có đại diện của TAND huyện Tuy Đức đứng lên xin lỗi, trong khi đó đại diện cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, gồm: Công an, Viện KSND không trực tiếp xin lỗi.
Luật sư Lê Xuân Anh Phú (đoàn luật sư Đắk Lắk) người bào chữa cho gia đình ông Võ cho biết, ngay sau khi nhận bào chữa cho ông Thưởng và bà Võ, đã nhận thấy đây là một vụ có dấu hiệu oan sai. Vì tội lạm dụng, dấu hiệu là phải có sự chiếm đoạt. Tuy nhiên, tài sản giao dịch giữa các bên là lô đất 400 m2 đã được sang nhượng nhiều lần. Nguyên đơn cũng không đòi lại số tiền 100 triệu bị chiếm đoạt như Viện KSND, Công an huyện Tuy Đức quy kết, mà chỉ yêu cầu làm thủ tục sang tên. Với nhận thức thông thường, ai cũng biết vụ án này không có dấu hiệu phạm tội.
“Sau buổi xin lỗi hôm nay, các cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp, giám sát, hoặc chuyên môn của người tiến hành tố tụng để tránh trường hợp oan sai, mất niềm tin của người dân” – luật sư Phú phân tích.
Bắt giam, kết án người dân tuỳ tiện
Năm 2008, vợ chồng ông Võ sang nhượng 400m2 đất tại xã Quảng Tâm cho bà Đoàn Thị Huệ và bà Vũ Thị Hằng với giá 100 triệu, được các bên lập xác nhận bằng giấy viết tay. Sau khi, ông Võ giao sổ đỏ, bà Hằng, bà Hồng đưa máy múc vào san ủi, không có tranh chấp với ai. Trên diện tích này, còn được tách một phần bán cho người khác. Năm 2016, bà Huệ và bà Hằng đề nghị sang nhượng tên chủ sở hữu, nhưng không được ông Võ đồng ý nên đã có đơn khởi kiện ra TAND huyện Tuy Đức.
Sau khi giám định chữ ký, ông Nguyễn Hồng Chương – Chánh án TAND huyện Tuy Đức (nay đã chuyển công tác lên TAND tỉnh Đắk Nông) ký văn bản đề nghị Công an, Viện KSND cùng cấp điều tra, vì cho rằng hành vi của vợ chồng ông Võ có dấu hiệu của tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 140 BLHS. Ông Võ sau đó bị Công an huyện Tuy Đức khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, còn vợ được cho tại ngoại. Trong quán trình điều tra, cả hai vợ chồng này đều không nhận tội và gửi đơn kêu oan đến nhiều nơi.
Tại cấp sơ thẩm, TAND huyện Tuy Đức tuyên phạt ông Võ 2 năm tù giam, bà Thưởng 2 năm tù cho hưởng án treo về tội danh nêu trên. Tuy nhiên, TAND tỉnh Đắk Nông cấp phúc thẩm cho rằng, việc giao dịch đất là có và diện tích đất này hiện bà Hằng, bà Huệ đang quản lý, sử dụng. Tòa cấp sơ thẩm đã giải quyết một vụ án dân sự trong vụ án hình sự và vượt quá phạm vi xét xử của vụ án này nên đã hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra bổ sung.
Công an huyện này, đã không chứng minh được hành vi phạm tội của vợ chồng ông Võ, nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án.