Bất động sản, xây dựng TPHCM tăng trưởng âm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong quý I/2023, TPHCM có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm là vận tải kho bãi giảm 0,63 %, thông tin và truyền thông giảm 2,7%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

4 ngành tăng trưởng âm

Trong báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế, xã hội tháng 3 và quý I/2023 của TPHCM, xây dựng và kinh doanh bất động sản là một trong những ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,80%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%.

Bên cạnh đó, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm là vận tải kho bãi giảm 0,63 %, thông tin và truyền thông giảm 2,7%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Bất động sản, xây dựng TPHCM tăng trưởng âm ảnh 1

Xây dựng và kinh doanh bất động sản là một trong những ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm.

Trong 3 tháng đầu năm, có 280 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản với vốn đăng ký đạt 6.472 tỷ đồng, giảm gần 83%.

Do hoạt động bất động sản, ăn uống, vui chơi giải trí chưa phục hồi mạnh như trước đại dịch nên mức tăng trưởng của hoạt động thương mại, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, lượng khách quốc tế đến TPHCM không nhiều.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 3 ước đạt 24.167 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tháng trước chủ yếu do 2 hoạt động kinh doanh bất động sản và vui chơi giải trí giảm mạnh tương ứng là 13,1% và 9,1%.

Để giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam, UBND TPHCM sẽ tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng. Tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, TPHCM sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn về nguồn lực vốn cho doanh nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TPHCM để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào TPHCM.

Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 2%

Báo cáo của UBND TPHCM cũng cho biết, đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 43.443 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương gần 14.997 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 28.446 tỷ đồng.

Bất động sản, xây dựng TPHCM tăng trưởng âm ảnh 2

TPHCM sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn về nguồn lực vốn cho doanh nghiệp.

Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước TPHCM cung cấp, đến 24/3, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của TPHCM đã giải ngân là 951,515 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2% tổng số vốn giao. Trong đó, vốn ngân sách TPHCM giải ngân là hơn 793 tỷ đồng, đạt 3% tổng số vốn giao; ngân sách Trung ương giải ngân là 158 tỷ đồng, đạt 1% tổng số vốn giao.

Theo đánh giá của UBND TPHCM, dù Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công trong quý I còn nhiều tồn tại; việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn giao.

Thông tin cụ thể về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm, Cục thống kê TPHCM cho biết TPHCM đã giao kế hoạch đợt 1 của dự án xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước TPHCM là 926 tỷ đồng, ước thực hiện hết quý I/2023 là 335 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch.

Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2, UBND TPHCM giao kế hoạch đợt 1 là 350 tỷ đồng, ước thực hiện hết quý I/2023 là 45 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch giao.

Đối với dự án đường sắt metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án đang hoàn thiện kiến trúc, lắp đặt thiết bị giám sát, vận hành hiện đại. Tiến độ thi công toàn dự án đạt gần 94%, trong đó nhiều hạng mục đã hoàn thành từ 98 - 100% khối lượng thi công.

Bất động sản, xây dựng TPHCM tăng trưởng âm ảnh 3

Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công ở TPHCM chậm, tính đến ngày 24/3 chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn giao.

Dự án tuyến đường sắt metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, TPHCM đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025. Hiện nay, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa hoàn thành việc giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TPHCM yêu cầu sở, ban, ngành, quận, huyện khẩn trương, tập trung trong công tác phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách. TPHCM chuẩn bị thành lập tổ công tác chuyên trách về mỏ vật liệu xây dựng để rà soát số lượng, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng cùng phương án khai thác mỏ đảm bảo nguồn cung vật liệu để khởi công dự án đường Vành đai 3 vào tháng 6/2023.

Dự kiến trong quý II/2023, UBND TPHCM sẽ ban hành, triển khai thực hiện Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, TPHCM sẽ rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy cơ chế hoạt động của 3 Tổ công tác, tập trung giải quyết các nhóm vấn đề lớn, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chủ động đánh giá, kịp thời điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.