Đề xuất cơ chế "thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp về tín dụng và chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó, đề nghị cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 ngày 21/06/2017 của Quốc hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho phép tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Đề xuất cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, vừa tạo được dòng tiền để doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. |
Tuy nhiên, theo ông Châu, tại khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã đặt thêm yêu cầu bên chuyển nhượng phải “đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án” nên không thông thoáng bằng nội dung Nghị quyết số 42.
Hiệp hội nhận thấy, việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà tài sản “đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo quy định của Nghị quyết 42 trong thời gian qua rất suôn sẻ, đã chứng minh tính hiệu quả và tính ổn định của cơ chế, chính sách “thí điểm” này, nên rất cần thiết được “luật hóa” để áp dụng chung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công bằng.
Cũng theo ông Châu, việc thực hiện theo Nghị quyết số 42 rất có lợi cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu có tài sản thế chấp là dự án bất động sản và lại càng có lợi cho các doanh nghiệp đã gây ra khoản nợ xấu này (chỉ là thiểu số doanh nghiệp) và đáng lưu ý là cơ chế, chính sách “thí điểm” về chuyển nhượng dự án cho thiểu số doanh nghiệp này, nhưng lại không cho phép áp dụng cho đa số doanh nghiệp bất động sản khỏe mạnh, bình thường khác.
Tạo dòng tiền, giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng
Hiệp hội nhận thấy, nếu cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42 thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các “trái chủ” và tạo điều kiện cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng, tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Do đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện lại nội dung khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Theo đó, trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này, để các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.