Hà Nội:

Bất động sản “bội thực” nguồn cung

Khách hàng mua nhà dự án Gemek Tower (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) bị nhân viên môi giới lập sàn BĐS khống lừa bán nhà.
Khách hàng mua nhà dự án Gemek Tower (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) bị nhân viên môi giới lập sàn BĐS khống lừa bán nhà.
TP - Mấy tháng nay, nguồn cung thị trường bất động sản (BĐS) tại Hà Nội tăng đột biến trong khi “cầu” tiêu thụ vẫn thấp khiến hàng loạt doanh nghiệp, sàn phân phối lại cuống lên lo tìm khách. Lập tức những chiêu trò mới được tung ra.

Lập sàn BĐS giả lừa khách

Chị Thu Trang (Hà Đông, Hà Nội) sau khi nghe nhân viên tư vấn của sàn giao dịch BĐS HuvLand về dự án Gemek Tower (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) đã đồng ý đặt cọc mua căn hộ trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhân viên dẫn xuống chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán thì giá trị căn hộ trong hợp đồng còn hơn 900 triệu đồng; 100 triệu đồng còn lại được nhân viên môi giới viết phiếu thu ngoài có con dấu của Cty CP Xây dựng HUV Hà Nội thay vì sàn giao dịch BĐS HuvLand. Để trấn an khách hàng, nhân viên sàn này giải thích, làm vậy để tách hợp đồng đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng. Sau nhiều lần chị Trang lên sàn đòi phiếu thu của chủ đầu tư như nhân viên sàn hứa hẹn trả nhưng chỉ nhận được lời chối quanh.

Tìm hiểu về sự việc phóng viên Tiền Phong được ông Lò Văn Vũ, Giám đốc Cty CP Xây dựng HUV Hà Nội cho biết, bản thân công ty không làm môi giới BĐS mà chỉ nhận thiết kế. Tuy nhiên, do nhiều nhân viên môi giới các sàn giao dịch khác giới thiệu căn hộ thiết kế nên ông cho sử dụng văn phòng để giao dịch BĐS. Thậm chí, ông Vũ còn cho các nhân viên môi giới mượn cả con dấu để đóng khi có phiếu thu. “Tôi không biết hết nhân viên môi giới vì họ làm tự do và không hề biết họ sử dụng con dấu và phiếu thu của công ty. Qua việc này tôi sẽ thu lại con dấu”, ông Vũ nói.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Gemeximco, chủ đầu tư dự án khẳng định, chỉ thu tiền đúng trong hợp đồng và không thu bất kỳ khoản chênh bên ngoài nào. Sự việc trên chỉ là một ví dụ về chiêu trò bán hàng mới có trên thị trường.

Theo báo cáo mới nhất của Cty nghiên cứu BĐS Savills Việt Nam quý I/2016, tổng nguồn cung sơ cấp căn hộ tại thị trường Hà Nội là 16.270 căn, tăng 1% theo quý và 26% theo năm. Đối với phân khúc biệt thự/nhà liền kề, tổng nguồn cung đạt 31.712 căn  từ 124 dự án, tăng 1,9% theo quý và 5,6% theo năm. Hà Đông là quận dẫn đầu nguồn cung với 27% thị phần. Hai dự án mới và nguồn cung bổ sung của một dự án hiện tại cung cấp 326 căn (100 biệt thự và 226 nhà liền kề). “Bội thực” nguồn cung là lý do khiến nhiều sàn giao dịch BĐS tung đủ chiêu bán hàng.

Thị trường có nguy cơ “rủi ro”

Cuối năm 2015, nhiều chuyên gia BĐS cảnh báo, thị trường có khả năng dư cung và nguy cơ bong bóng BĐS tái diễn. Ngay khi đó, lãnh đạo của Bộ Xây dựng lập tức lên tiếng trấn an và cho rằng khả năng bong bóng khó xảy ra. Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại thị trường hiện nay, dự báo “bội thực” hàng đang thành hiện thực.

Mới đây, việc Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 36, trong đó có việc tăng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lến 250%, và giảm tỷ lệ sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40%, đã phát đi tín hiệu cho thấy cơ quan quản lý nhà nước muốn kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực BĐS.

Phân tích về nguồn cung ồ ạt, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, Sở có chức năng cấp phép cho những dự án làm đúng thủ tục. Còn sự bất hợp lý như vì sao chỉ một tuyến phố vài ki lô mét lại xuất hiện đến 10 dự án chào bán cùng lúc thì “lỗi” tại khâu quy hoạch. “Đáng ra, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) phải rà soát và điều tiết dự án cho hợp lý chứ không để quá nhiều dự án xuất hiện cùng một lúc như hiện nay”, vị này lưu ý.

Trong khi đó, chính những công ty tư vấn BĐS cũng lo lắng về sự rủi ro cao của thị trường qua diễn biến về giá cả và lượng tiêu thụ. Cụ thể, đối với thị trường căn hộ quý I/2016, Savills Việt Nam đánh giá vẫn tốt so với năm 2015, nhưng thị trường đang chững lại, khi lượng căn hộ tiêu thụ giảm đến 13% theo quý, tỷ lệ hấp thụ cũng giảm 6% theo quý.

Nhìn nhận về thị trường, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho biết với nguồn cung ồ ạt hiện nay, chủ đầu tư muốn thu hút khách phải đưa ra được lợi thế cạnh tranh về tiến độ, giá cả, diện tích phù hợp và chất lượng bảo đảm. Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest thì lưu ý, khách hàng trước khi giao dịch cần tìm hiểu kỹ năng lực chủ đầu tư, quá trình thi công, bán hàng, thiết kế, chất lượng sản phẩm…

Công ty tư vấn BĐS CBRE vừa bày tỏ sự quan ngại trước sự suy giảm của thị trường căn hộ khi cho biết, lượng căn hộ giao dịch đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng giá cũng đã chững lại, thậm chí ở thị trường sơ cấp, giá căn hộ cao cấp và bình dân đã giảm 0,3% và 7,8%.

MỚI - NÓNG