Những ngày này, về xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, không khó bắt gặp hình ảnh người dân đang thu hoạch cam. Những vườn cam trĩu quả, vàng rực trên những sườn đồi. Cây cam Đồng Thành không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn thành cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên đất quê hương.
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cam trên đất cằn |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam, ông Trương Văn Biên (SN 1958, trú xã Đồng Thành) cho biết, trước đây, vùng đất này rất cằn cỗi, độ dốc khá cao nên người dân chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, một số diện tích bỏ hoang. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cây lâm nghiệp cần chi phí lớn, thiếu đầu ra, giá cả bấp bênh nên người dân đã chuyển đổi cây trồng. Năm 2016, sau thời gian tìm tòi, học tập các mô hình trồng cây ăn trái ở các địa phương khác, gia đình ông bắt đầu trồng giống cam xã Đoài trên diện tích hơn 5 ha.
Đặc sản cam “tiến vua” xã Đoài ở 5 xã của huyện Yên Thành gồm: Minh Thành, Trung Thành, Nam Thành, Đồng Thành và Xuân Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh.
Trại cam của gia đình ông Biên được chia làm nhiều loại, mỗi loại một giá khác nhau, tùy vào đường kính, màu sắc, cân nặng của quả cam. Giá bán tại vườn 35.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán lẻ ngoài thị trường có thể lên tới 80.000 đồng/kg. Đặc biệt vào dịp Tết, cam Đồng Thành lên đến 100.000 đồng/kg. Trang trại cam của ông Biên cho thu hoạch với sản lượng trung bình các vụ từ 100 - 120 tấn, trừ chi phí thu lãi khoảng 2 tỷ đồng, vừa tăng thu nhập cho gia đình vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Cam vàng xã Đoài bám rễ trên vùng đất Đồng Thành từ năm 2005 đến nay, lúc đầu mới chỉ ở mức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Năm 2020, Hợp tác xã cam Đồng Thành đã tập hợp các hộ dân trồng cam trên địa bàn quy tụ về một mối, rất thuận lợi trong khâu sản xuất, tiêu thụ và quản lý. Từ năm 2021, có 56 ha cam được cấp giấy chứng nhận Vietgap, tạo nên mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững. Đến nay, trên địa bàn xã này có gần 100 hộ trồng cam, tổng diện tích hơn 130 ha. Năm 2021, sản lượng ước đạt 1.400 tấn, cho thu nhập xấp xỉ 43 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, các vườn cam còn tạo công ăn việc làm cho 300 - 400 lao động địa phương.
Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết, từ một vùng đất cằn cỗi, Đồng Thành giờ đây đã thực sự chuyển mình với những vườn cam bạt ngàn, đem lại thu nhập và làm giàu cho người dân nơi đây. Cam Đồng Thành đã khẳng định được thương hiệu, tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; được chứng nhận là cam sạch, an toàn.