Bật cười với ‘Thánh Troll’

Hải Long (trái) và Thanh Hiền
Hải Long (trái) và Thanh Hiền
Chỉ cần một tháng để ứng dụng “Ai là thánh troll?” leo lên vị trí số 1 trong hệ thống do người dùng bình chọn Apps Store Việt Nam (Windows Phone) và chỉ một tuần, nó đã tăng vượt bậc trong hệ thống những ứng dụng chạy trên nền Android. Trên giảng đường, ngoài quán cà phê, người dùng smart-phone cười khúc khích xem ai “thánh troll” nhất.

Ít ai biết, ứng dụng trắc nghiệm vui đang “làm mưa làm gió″ này là của hai chàng sinh viên năm thứ tư, ngành Khoa học Máy tính, trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP. HCM).

Cách để thành “thánh”

Sự hấp dẫn của “Ai là Thánh troll?” đi cùng xu hướng của giới trẻ là thể hiện sự hài hước, trí tuệ trên mạng xã hội. Đặng Vũ Hải Long (sinh 1992), người khởi đầu ý tưởng chia sẻ: “Các bạn trẻ hiện nay rất thích kiểu hài hước trí tuệ như “Hỏi xoáy đáp xoay” hay trang Facebook chuyên châm biếm, hài hước. Nắm bắt thị hiếu đó, tụi mình sưu tầm khoảng 100 câu hỏi kết hợp trắc nghiệm kiến thức vui và những câu hỏi mẹo có phần trả lời đánh lừa người chơi, mà cư dân mạng thường khen là “rất bá đạo”.

Long dẫn chứng, với câu hỏi: “Trên cành cây có một con chim, lát sau có ba con chim bay tới, sau đó có tỷ tỷ con chim bay tới” thì thực ra, cành cây không có “một bầy chim” như cách nghĩ thông thường mà là “một con chim + ba của nó + tỷ tỷ (chị của nó) = 3 con chim”.

Khi bị lừa, người chơi sẽ rất “cú” nhưng vẫn tò mò xem mình sẽ tiếp tục bị lừa thế nào. Nếu người chơi trả lời 3 lần sai, sẽ phải chơi lại từ đầu với thứ tự câu hỏi đảo lộn ngẫu nhiên. Trả lời đúng được hơn 60 câu thì người chơi sẽ trở thành “Thánh troll” hay “Thanh niên nghiêm túc mà chúng tôi đang tìm kiếm”.

Hải Long nói: “Sau giờ học trên giảng đường, căng thẳng đầu óc, mình thường lên mạng xem hình ảnh chế, câu hỏi đố mẹo cho bớt mệt. Sẵn định hướng nghề nghiệp phát triển ứng dụng game, mình nghĩ, tại sao không kết hợp những câu trắc nghiệm kiến thức vui và những câu hỏi “troll” hài hước trên các diễn đàn để cho ra đời một ứng dụng giải trí cho giới trẻ xài smart-phone? Mình bắt tay làm 4 ngày 4 đêm, ứng dụng “Ai là Thánh troll?” trên hệ điều hành Windows Phone đã ra đời. 

Ban đầu, mình đưa lên hệ thống Apps Store Việt Nam để tham gia cuộc thi khuyến khích phát triển ứng dụng của một hãng di động chạy hệ điều hành Windows Phone. Từ khi đưa lên (ngày 21/1/2014) đến nay, ứng dụng này đã leo hạng 13 trên bảng tổng sắp các ứng dụng di động miễn phí Việt Nam, với 65.000 lượt download và hơn 13.000 lượt đánh giá 5 sao từ người dùng (đứng thứ nhất trong bảng thống kê đánh giá).

Thật bất ngờ vì ứng dụng của mình không những tích được rất nhiều điểm trong cuộc thi, giúp mình đổi được những phần quà công nghệ có giá trị từ Ban Tổ chức mà còn vượt qua nhiều ứng dụng sừng sỏ của các công ty lớn đang có ứng dụng trên Apps Store Việt Nam”.

Niềm vui “vừa học vừa kiếm ra tiền”

Nhận thấy số lượng người dùng smart-phone chạy hệ điều hành Android rất lớn, Hải Long kết hợp cùng bạn học Nguyễn Thanh Hiền (sinh 1992) để đưa “Ai là Thánh troll?” lên Apps Store Việt Nam cho máy chạy Android. Cũng như Long, tuy học Khoa học máy tính nhưng Hiền chọn hướng đi chuyên phát triển ứng dụng trên hệ điều hành Android. Chỉ sau một tuần được Hiền đưa lên hệ thống Apps store Việt Nam, mỗi ngày “Ai là Thánh troll?” nhận được hàng ngàn lượt tải.

Với lượt tải lớn, cộng với chèn quảng cáo, hiện hai anh chàng đã bắt đầu kiếm được tiền. Thanh Hiền cho biết: “Dòng tiền quảng cáo của các công ty hiện chuyển dần từ quảng cáo website, tivi sang quảng cáo trên thiết bị di động. Do vậy, đây là mảnh đất rất màu mỡ và hứa hẹn. Vui nhất là mình kiếm tiền được bằng đam mê ngay khi là sinh viên. 

Hằng ngày, tụi mình kiểm tra hệ thống và khoe với nhau “tiền lẻ” trên hệ thống đã tăng rất nhanh (mình nhận được gần 100.000 đồng/ngày). Trong phòng mình, mấy anh em đều học Công nghệ thông tin nên ai cũng vui lây. Ngành học mình là Khoa học máy tính, giảng đường chỉ cung cấp kiến thức nền. Định hướng nghề nghiệp phát triển ứng dụng di động là do mình lựa chọn. Khi mình thành công bước đầu, bạn bè có chung chí hướng cũng có thêm động lực và niềm tin”.

Hiện nay, số câu hỏi trắc nghiệm vui được các bạn sưu tầm đưa vào ứng dụng mới khoảng 100 câu. Nhiều người chơi thích thú yêu cầu hai bạn tăng số lượng. Hai chàng trai đang bổ sung câu hỏi và nâng cấp cách chơi với hình họa nhiều hơn để tăng tính hấp dẫn. Theo phản hồi, “Ai là thánh troll?” không chỉ người trẻ chơi mà người lớn tuổi cũng rất hào hứng.

“Troll” theo cách hiểu cư dân mạng là “Người cố tình có những hành động chọc tức người khác. Họ sẽ làm, sẽ nói bất cứ điều gì, miễn là việc đó làm bạn cảm thấy khó chịu, nổi điên lên thì càng tốt”. Đa phần cộng đồng mạng hiện nay hiểu, “troll” mang nghĩa “chọc cười, mua vui”.

Thanh Hiền chia sẻ: “Tụi mình đang hào hứng với những dự án ứng dụng. Ý tưởng xuất phát từ nhu cầu chính mình và bạn bè xung quanh đang dùng thiết bị di động chứ không đâu xa. Để thành công, mình phải sáng tạo mới hoàn toàn, hoặc phát triển cái cũ nhưng tốt hơn người khác. Tụi mình là sinh viên nên bắt đầu từ những ứng dụng đơn giản. “Ai là Thánh troll?” chỉ giới hạn đối tượng dành cho người dùng trong nước. Tụi mình vừa làm vừa học đồ họa, Photoshop, PR sản phẩm… Dần dần, trình độ sẽ nâng cao hơn”.

Long và Hiền đã rất lưu ý về vấn đề bản quyền. Long chia sẻ: “Các trường đại học Việt Nam hầu như không cung cấp kiến thức về bản quyền. Những người làm sáng tạo như tụi mình đều phải tự tìm hiểu nhưng cũng không thể làm triệt để”.

Với ứng dụng game “Ai là Thánh troll?”, tụi mình đã nghĩ đến vấn đề bản quyền và quyết định đưa vào danh mục tải “miễn phí” vì mặc dù về kỹ thuật, hình họa tụi mình đều tự làm nhưng những câu hỏi vui thì tụi mình đều phải sưu tầm trên các diễn đàn giải trí, hay những câu đố mẹo truyền miệng”.

Theo Theo Sinh viên Việt Nam
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.