Hội chợ thương mại quốc tế mùa xuân Bình Nhưỡng lần thứ 22 khai mạc ngày 20/5, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết.
Hơn 450 công ty của Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Pakistan, Ba Lan và “một số quốc gia và khu vực khác” đã mang sản phẩm của họ đến hội chợ, khiến hội chợ năm nay có quy mô lớn nhất kể từ trước đến nay, theo phân tích của trang tin chuyên về Triều Tiên NK News dựa trên thông tin chính thống từ Triều Tiên.
Năm ngoái, 260 công ty tham dự hội chợ mùa xuân của Triều Tiên. Trong số các công ty dự hội chợ năm nay có ít nhất 216 doanh nghiệp Trung Quốc, theo phân tích của NK News.
“Những con số đó cho thấy xu hướng mà chúng ta thấy gần đây về sự quan tâm thực sự của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các cơ hội làm ăn với Triều Tiên, dù về mặt kỹ thuật không nhiều hoạt động có thể triển khai do tình trạng cấm vận”, ông Oliver Hotham, thư ký tòa soạn trang NK News đánh giá.
Phát biểu khai mạc hội chợ, các quan chức Triều Tiên nói rằng đây là cơ hội để xúc tiến hợp tác kinh tế, thương mại, và trao đổi khoa học – công nghệ với các nước tham dự, KCNA cho biết.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cấm tất cả các hình thức liên doanh và hầu hết hoạt động kinh doanh với Triều Tiên. Nhưng một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết họ chỉ đang chuẩn bị cho giai đoạn Triều Tiên được dỡ bỏ cấm vận.
KCNA cho biết các sản phẩm được mang đến trưng bày năm nay gồm hàng “kim loại, điện tử, máy móc, vật liệu xây dựng, giao thông, y tế, công nghiệp nhẹ, thực phẩm và hàng tiêu dùng”.
Những bức ảnh chụp sự kiện do báo chí nhà nước Triều Tiên và những người tham gia hội chợ đưa lên mạng xã hội cho thấy hình ảnh các loại thiết bị y tế, TV màn hình phẳng, túi xách, máy điều hòa không khí và sưởi ấm, quần áo, đồ dùng nhà bếp, xe hơi thương hiệu của Triều Tiên, và những loại hàng hóa khác.
“Có rất nhiều ngành nghề, các sản phẩm nội địa và hàng nhập khẩu. Hầu hết các bên tham gia đến từ Trung Quốc”, Đại sứ Anh tại Triều Tiên Colin Crooks viết trên Twitter.
Những bức ảnh do Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng đưa lên Facebook cho thấy Đại sứ Nga Alexander Matsegora đứng chụp ảnh bên cạnh các mặt hàng dược phẩm Nga.
Từ năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiến hành nhiều nỗ lực ngoại giao để các biện pháp cấm vận Triều Tiên được dỡ bỏ và ông có thể phát triển nền kinh tế. Dưới thời nhà lãnh đạo trẻ này, Triều Tiên đã chứng kiến sự trỗi dậy của thị trường tư nhân và chủ nghĩa tiêu dùng, nhưng nước này vẫn đối mặt với các biện pháp kiểm soát kinh tế và chính trị chặt chẽ.
Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc vào cuối tháng 2 mà không có thỏa thuận nào, Triều Tiên ngày càng khó chịu với tình trạng đối thoại bế tắc.
Trong một bài bình luận đăng trên trang nhất số ra ngày 20/5, tờ báo của đảng cầm quyền Triều Tiên nói rằng các biện pháp trừng phạt được đề ra để đẩy Triều Tiên vào cảnh cùng cực về kinh tế. Bài báo cũng kêu gọi người dân Triều Tiên chớ phụ thuộc vào việc dỡ bỏ trừng phạt.
Các tổ chức viện trợ quốc tế cảnh báo những đợt hạn hán gần đây và tình trạng thiếu thốn công cụ sản xuất có thể khiến nhiều người dân Triều Tiên thiếu lương thực trong năm nay.