Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Bộ Y tế về nguyên nhân vì sao sau phun hoá chất muỗi vẫn bay ra, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhấn mạnh, kết quả giám sát của 3 tổ cán bộ của Viện về hoạt động phun hoá chất của Hà Nội khẳng định: hoá chất hiệu quả, muỗi bị tiêu diệt. Ông Dương cho biết thêm, giám sát độc lập các hoạt động của Hà Nội từ ngày 14 - 21/8, 3 đội phụ trách đã đánh giá trước và sau phun thuốc diệt muỗi tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai), phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng), phường Khương Thượng (Đống Đa).
Kết quả tại cả 3 phường này, chỉ số muỗi trưởng thành bằng 0 sau phun hoá chất 24 giờ. Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, điều này cho thấy muỗi trưởng thành đều chết hết sau phun hoá chất. Ông Dương nhận định: “Chỉ số bọ gậy rất quan trọng, phải làm đồng bộ với phun, điều này giải thích cho hiện tượng sau phun hoá chất muỗi vẫn bay vào nhà. Tại phường Thịnh Liệt chỉ số nước chứa bọ gậy là 26%, nhưng sau diệt bọ gậy vẫn còn 12%. Tại Thanh Lương trước 40%, sau diệt trở về 30%. Điều này cho thấy bọ gậy có giảm nhưng chưa triệt để”.
Theo ông Dương, do diệt bọ gậy chưa triệt để, ở tuổi loăng quăng trưởng thành, thậm chí sau vài giờ nở ra ngay thành đàn muỗi mới, bay vào nhà, do đó phải diệt bọ gậy mới diệt được muỗi. Phun hoá chất chỉ diệt ngay, nhất thời đàn muỗi trưởng thành đang mang virus.
Kết quả giám sát mật độ muỗi trước và sau phun hoá chất do Viện sốt rét ký sinh trùng T.Ư thực hiện tại phường Thanh Xuân Nam, Khương Đình cũng cho kết quả tương tự. Theo các chuyên gia dịch tễ, chỉ số bọ gậy giảm không nhiều, lý giải tại sao sau phun lại vẫn có muỗi, do còn các ổ bọ gậy mới, nở ra thành đàn muỗi mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, dù số ca mắc SXH tại Hà Nội đã chững lại, nhưng vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng của dịch SXH nên ngành y tế phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, diệt bọ gậy là nhiệm vụ của đội xung kích, người dân, các cấp chính quyền, nếu không làm tốt sẽ khó dập được dịch sớm. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “50% hộ gia đình chỉ cho phun tầng 1, vài tiếng sau muỗi từ tầng trên bay xuống, nên không diệt được muỗi. 10% hộ gia đình vẫn từ chối phun. Hoá chất không riêng Việt Nam sử dụng, tất cả các nước đều sử dụng đã được tổ chức Y tế thế giới khẳng định an toàn”.
Tại cuộc họp PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, cả nước đã ghi nhận trên 100.000 ca mắc SXH, hơn 84 nghìn trường hợp nhập viện. Số mắc SXH so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 48%, tử vong tăng 9 trường hợp.
Các đội xung kích hoạt động không hiệu quả
Trên thực tế, các thành viên đội xung kích vẫn rất thiếu kinh nghiệm trong việc tìm, diệt bọ gậy. Đơn cử như mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra công tác diệt bọ gậy, phòng chống SXH tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận thấy, dù mới được thành viên đội xung kích hỗ trợ diệt bọ gậy, nhưng khi giám sát, các chuyên gia Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư vẫn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, qua kiểm tra hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy tại một số xã phường cho thấy, chưa thực hiện đúng quy định không quá 50 hộ gia đình/một đội. Với số lượng này mới đảm bảo đi hết, đến từng nhà để kiểm tra, diệt bọ gậy. Sau khi phát hiện, ngành đã yêu cầu bổ sung để đảm bảo quân số, đảm bảo mỗi đội chỉ phụ trách 40 – 50 hộ gia đình. Theo ông Cảm, trước khi triển khai diệt bọ gậy 30 – 50% số hộ gia đình có bọ gậy, sau diệt đã mang lại hiệu quả nhưng vẫn chưa được triệt để.
Về vấn đề này PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Hà Nội sớm chấn chỉnh hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy vì hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt yêu cầu.
Qua giám sát cũng phát hiện, việc thành lập các đội xung kích ở cấp cơ sở khác hẳn so với quy định. Nhiều nơi do các tổ trưởng, tổ phó dân phố tuổi đã cao, sức đã yếu đảm nhiệm. Có những đội thay vì phụ trách 30 - 50 hộ thì được giao phụ trách lên tới 100, thậm chí 190 hộ/đội. Theo quy định mỗi đội xung kích có 2 hoặc 3 người, phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình. Tiêu chí là có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm, thông thạo địa bàn, được tập huấn và có kỹ năng hướng dẫn người dân tìm bọ gậy, diệt bọ gậy, diệt muỗi...
Một thành viên trong đoàn giám sát SXH của Bộ Y tế khẳng định, không chỉ đơn thuần là vấn đề người dân, các đội xung kích còn lúng túng, chưa được hướng dẫn cách phát hiện ổ bọ gậy và cách xử lý triệt để, công tác phòng chống SXH ở Hà Nội còn bất cập ở các khâu như dự báo dịch yếu, chưa chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị chống dịch, truyền thông, tập huấn không cụ thể, chung chung, xử lý phun hóa chất hời hợt, đặc biệt là không giám sát và đánh giá.
Phun hóa chất, một cán bộ y tế bị đấm rách miệng
Ngày 24/8 Trung tâm Y tế Cầu Giấy phối hợp với UBND phường Trung Hòa tổ chức phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại tổ 4, phường Trung Hòa, bất ngờ một đối tượng xông ra đấm thẳng vào mặt cán bộ y tế trong đoàn công tác. Ngay sau đó các lực lượng tại chỗ đã giữ đối tượng và báo công an phường đến xử lý. Chị Lê Thị Toan, cán bộ y tế phường Trung Hòa bị rách miệng, chảy nhiều máu phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Tại đây chị được xử lý vết thương và cho về nhà theo dõi, điều trị. UBND quận đã chỉ đạo công an quận Cầu Giấy và công an phường Trung Hòa bắt giữ, lấy lời khai người hành hung cán bộ y tế và điều tra vụ việc.