Bắt buộc cải hoán xe đầu kéo: Doanh nghiệp kêu khó, đăng kiểm bảo nên

Xe container bị xem là “hung thần” khi lưu thông trên đường. Ảnh: Ngô Bình.
Xe container bị xem là “hung thần” khi lưu thông trên đường. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM và cơ quan quản lý xuất hiện tại buổi tọa đàm “Quy định về cấp tải trọng thiết kế cho xe ô tô đầu kéo và cấp khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của sơmi rơmooc, thực tiễn và giải pháp” diễn ra tại TPHCM chiều 27/12.

Cải hoán làm tăng tai nạn và lãng phí?

Ông Đỗ Xuân Phú, giám đốc Cty vận tải Minh Liên cho rằng từ khi Bộ Giao thông Vận tải quyết định cải tạo sơ mi rơ mooc (điều chỉnh chốt kéo, cụm trục để tổ hợp xe chở một container tiêu chuẩn quốc tế (30.480 kg) không bị quá tải trọng trục), Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn cho các DN điều chỉnh để tăng chiều dài cơ sở theo hướng chiều dài càng lớn thì khối lượng toàn bộ (xe, hàng hóa…) cho phép tham gia lưu thông càng cao. Trong khi đó hầu hết sơmi rơmooc đã dài trên 6,5 m. Ông Liên cho rằng việc cải tạo nói trên là không phù hợp.

Sau khi cải tạo để tăng chiều dài, nhiều sơ mi rơ mooc (SMRM) không còn bảo đảm an toàn giao thông. Xe đầu kéo container lưu thông trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc vào hệ thống kho, cảng, bến bãi sẽ càng khó khăn, nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông (TNGT) vì những nơi này có mật độ phương tiện lưu thông dày đặc, không gian chật hẹp nên xe quay vòng rất khó khăn. “Các đoạn đường đèo, dốc thường chỉ có một làn đường dành cho xe ô tô. Chiều dài cơ sở của SMRM càng dài, tài xế lại càng khó điều khiển hơn. Lái xe buộc phải lấn sang làn đường ngược chiều thì mới đi hết được vòng cua nên rất dễ xảy ra TNGT”, ông Phú cho biết.

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng chính phủ và Bộ GTVT, các DN cho biết có 3.640 SMRM loại 3 trục phải điều chỉnh, cải tạo với nhiều thủ tục rườm rà, khó khăn và 3.465 chiếc SMRM loại 2 trục và hàng trăm SMRM loại 20 feet đang lưu thông có nguy cơ bị loại bỏ, trở thành phế liệu do không đủ tải trọng để vận chuyển container tiêu chuẩn quốc tế như trước. Dưới sức ép buộc phải giao nhận hàng đúng thời gian, tiến độ theo các hợp đồng đã ký, các DN không còn giải pháp nào khác buộc phải vay ngân hàng đầu tư mới loại SMRM 40 feet, 3 trục để vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu đủ tiêu chuẩn, gây lãng phí trên 1.000 tỷ đồng.

Giải pháp kiểm soát tải trọng

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, phó cục trưởng Cục Đăng kiểm, cả nước đã có 8.938 SMRM đã cải hoán (dịch trục). Riêng TPHCM có xấp xỉ 4.000 SMRM đã dịch trục. “Các DN ở TPHCM phản ánh việc xếp container ở giữa làm tăng chi phí, lái xe đi đường bị vẫy, vào cua khó… Chúng tôi làm việc với các DN ở nhiều địa phương khác như Hải Phòng thì họ không kêu, chỉ lưu ý việc chuyển trục, lắp thêm gù phải giao cho các đơn vị chuyên nghiệp làm. Đây là giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện. Qua hai năm thực hiện, tình hình TNGT, ô nhiễm môi trường giảm mạnh, trong đó TNGT từ trên 10.000 người chết mỗi năm đã giảm hơn 10% trên cả ba tiêu chí. Đường giao thông, phương tiện cũng đỡ hư hỏng, hằn lún”, ông Trí nói.

Theo TS Trần Hữu Nhân (khoa cơ khí ô tô, trường Đại học Bách Khoa TPHCM), chỉ có kéo dài SMRM mới giải quyết được vấn đề tải trọng của các phương tiện vận tải. “Tuy nhiên, được cái này thì phải mất cái kia, kéo dài SMRM sẽ làm cụm trục bánh xe lùi ra phía sau nên bán kính vòng quay của phương tiện khi ôm cua mở rộng hơn nên khó điều khiển và nguy hiểm nếu đi đường đèo, dốc”, TS Nhân nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.