Bấp bênh nông sản xuất khẩu

Bấp bênh nông sản xuất khẩu
TP - Thị trường khó khăn, giá cả bấp bênh, nhiều loại nông sản chủ lực như gạo, cà phê, cao su... xuất khẩu giảm mạnh. Trong khi đó, thủy sản phải dựa vào ngành tôm để kéo lại vì cá tra, cá ngừ đang giảm.

> Gạo xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD
> Giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức thấp

Thấp thỏm Thái Lan “xả” kho

Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu 8 tháng đầu năm gần 4,7 triệu tấn (đạt 2,05 tỷ USD), giảm 15,7% về khối lượng (và giảm 18,4% về giá trị) so cùng kỳ năm ngoái. Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích, cho biết, xu hướng giá gạo đi xuống đã rõ, vấn đề mức độ thế nào sẽ phụ thuộc vào động thái “xả” gạo tồn của Thái Lan. “Vừa rồi, Thái Lan chào bán mấy đợt, nhưng bán được ít, và họ cũng không công bố giá trúng thầu. Nếu Thái Lan tiếp tục giảm giá để xả kho (giá công khai hiện nay 435 USD/tấn), Ấn Độ và Pakistan cũng sẽ giảm theo sẽ tiếp tục tạo sức ép lên giá gạo Việt Nam”-ông Bích phân tích.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh gạo ở phía Nam, hiện giá gạo xuất khẩu đã chào thấp khoảng 380 USD/tấn (gạo 5% tấm) và khoảng 350-355 USD/tấn (25% tấm) cũng ít người hỏi mua, nhất là gạo thu hoạch từ lúa Hè Thu. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 7, gạo Đông Xuân giá khoảng 400 USD/tấn, còn gạo hè thu chào bán 375-380 USD/tấn. Giá gạo thế giới tụt sâu, nên việc đẩy mạnh xuất gạo sang châu Phi (mà Việt Nam đang tập trung khai thác) sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ gạo Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan.

Sau động thái “xả” kho của Thái Lan, để tránh giá lúa trong nước xuống thấp, mới đây VFA có tờ trình gửi Thủ tướng, đề xuất hỗ trợ thêm 2 tháng lãi suất, để doanh nghiệp mua tạm trữ thêm 300 nghìn tấn trong thời gian từ ngày 15/9 đến 15/10. VFA cũng kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ thêm 1 tháng lãi suất trong đợt mua 1 triệu tấn tạm trữ vụ Hè Thu, tránh việc doanh nghiệp “bán chạy” gạo để trả tiền ngân hàng khi đáo hạn. Hiện, các doanh nghiệp tạm trữ gạo đang chịu lỗ khoảng 30 USD/tấn.

Về cà phê, do hàng loạt các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về vốn, xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm cho thấy bước lùi đáng kể. Dù giá cà phê có tăng nhẹ, nhưng cả nước xuất hơn 970 nghìn tấn, giảm trên 23% về lượng và 22,5% về giá trị. Trong đó, 2 thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam lớn nhất là Đức và Mỹ cũng giảm mạnh so năm ngoái, lần lượt gần 20% và 30%.

Ngoài ra, mặt hàng cao su vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nay cũng rơi vào tình cảnh thất thu do giá xuất khẩu giảm mạnh (trung bình 7 tháng đầu năm giảm 18%). Trong 8 tháng đầu năm, dù lượng xuất khẩu tăng 4,6% (638 nghìn tấn) so cùng kỳ, nhưng kim ngạch chỉ hơn 1,5 tỷ USD, giảm trên 14%.

Cá “vàng” cũng giảm

Dù gặp nhiều bất lợi do bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp ở thị trường lớn như Mỹ, hàng rào kỹ thuật ở Nhật Bản, nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn có mức tăng tưởng dương. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), sau khi đạt mức tăng gần 13% trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 tiếp tục tăng, ước đạt 590 triệu USD. Tính chung, 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 4,1 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Trương Đình Hòe-Tổng thư ký Vasep, do dịch bệnh tôm sú đang thiếu nguồn cung, nên tôm chân trắng vẫn là cứu cánh của ngành tôm những tháng tới. Với mức xuất khẩu trung bình khoảng 250 triệu USD/tháng, nhiều khả năng xuất khẩu tôm năm nay sẽ đạt 2,5-2,6 tỷ USD, tăng 12-16% so với năm 2012 (2,24 tỷ USD).

Trong khi đó, con cá “vàng” ở Đồng bằng sông Cửu Long là cá tra; cá ngừ đang có chiều hướng sụt giảm. Vasep dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu các mặt hàng trên khó bằng năm ngoái, do nguồn nguyên liệu không ổn định và nhu cầu chưa hồi phục.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Hùng Vương, cho biết có 70% cá tra do các doanh nghiệp chế biến nuôi; 30% của dân. Nhưng do nuôi cá tra thua lỗ từ năm 2012 nên nhiều nơi bỏ. “Tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, nên một số doanh nghiệp đã tạm dừng ký các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 10 tới. Xuất khẩu cá tra năm nay, chắc chắn không thể đạt trên 1,7 tỷ USD như năm ngoái”- ông Minh nói.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc sớm đề xuất giải pháp, tháo gỡ các vướng mắc nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong lúc thị trường khó khăn. Với Trung Quốc - thị trường lớn với hơn 1 tỷ dân, hiện nhiều nông sản Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường này như gạo, cao su, thanh long, thủy sản…cần biết cách khai thác đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2012 Trung Quốc chiếm 5/27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG