Bảo vệ điện thoại khỏi virus, mã độc

Bảo vệ điện thoại khỏi virus, mã độc
TPO - Virus, mã độc, những thứ vốn quen thuộc với dân công nghệ trên những chiếc máy tính, nay tiếp tục tấn công mạnh mẽ vào các thiết bị di động, với mục đích theo dõi, đánh cắp tài khoản ngân hàng, tự nhắn các tin nhắn tính phí, tấn công mạng DDOS và nhiều nguy hại khác.

Trong thời đại Internet of Things, các thiết bị di động thông minh bùng nổ mạnh mẽ, điều này khiến cho các virus hay mã độc được phát triển nhằm vào các thiết bị này ngày càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn.

Trong 2 hệ điều hành lớn nhất hiện nay trên di động là Android và iOS, thì Android dễ bị tổn hại hơn, vì là một nền tảng mở. Tuy vậy, không phải những thiết bị chạy iOS của Apple là sẽ an toàn tuyệt đối bởi mã độc.

Mã độc có thể nằm ẩn mình trong các ứng dụng, các đường link trên mạng mà chỉ cần người dùng vô tình bấm phải, nó sẽ xâm nhập vào máy và sẽ hoạt động ngầm, hoặc đơn giản là ngủ đông chờ lúc được kích hoạt.

DDOS là vũ khí nguy hại mà những smartphone dính mã độc là 1 phần trong đó. Những thiết bị dính mã độc sẽ là 1 trong những thành viên của 1 cuộc tấn công mạng DDOS, có thể làm sập các trang web bị tấn công.

Không chỉ tấn công ra bên ngoài bằng DDOS, các mã độc còn có thể đánh cắp tài khoản ngân hàng của người dùng, tự động nhắn tin nhắn rác hay nhắn tin vào các tổng đài tính phí, tự động kích hoạt các dịch vụ tính phí... khiến người dùng tổn hại về kinh tế.

Tìm diệt mã độc

Để phát hiện mã độc không hề dễ dàng, bởi chúng ẩn mình rất kỹ và trong trạng thái ngủ đông, chúng rất khó để bị phát hiện.

Các mã độc dễ phát hiện nhất là mã độc quảng cáo, nó sẽ sớm nhảy những quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo lên phần thông báo của bạn. Những mã độc này cũng ít hại nhất, chỉ cần chú ý xóa những ứng dụng mới cài mà sau đó bắt đầu nhận quảng cáo rác là nhiều khả năng sẽ dọn dẹp được chúng.

Với các virus hay mã độc thông thường, nếu bạn phát hiện ra máy đang sử dụng có hiện tượng hoạt động chậm bất thường, sụt pin nhanh, có thể máy đã dính mã độc. Ngoài ra, máy có thể tắt máy lâu hơn và hoạt động nóng hơn, do các virus hay mã độc chạy ngầm. Nếu dính virus nặng, máy có thể không thể tắt nguồn được mà phải tháo pin hoặc chờ cho pin cạn mới có thể tắt được máy hoàn toàn. Việc phát hiện kể trên khó khăn hơn với những smartphone cao cấp, vốn có phần cứng mạnh mẽ và tốc độ cao, ít bị chậm đi.

Nếu bạn kiểm tra tài khoản và thấy bị giảm tiền bất ngờ và nhiều hơn thường lệ, trong khi không sử dụng đột biến, có thể bạn đã dính 1 loại mã độc gây “tốn kém”.

Cách tốt nhất để tìm ra mã độc là sử dụng các phần mềm diệt virus. Nên chọn các phần mềm uy tín, bởi nhiều phần mềm diệt virus trôi nổi cũng ẩn chứa trong nó 1 loại mã độc nào đó.

Phòng tránh dính mã độc

Để tránh dính mã độc khi sử dụng smartphone, người dùng cần tỉnh táo hơn khi sử dụng máy. Đầu tiên, cần hết sức tránh bấm vào các đường link lạ, nằm trên các website hoặc trên mạng xã hội như Facebook. Đây là nơi ẩn chứa nhiều hiểm họa mã độc nhất.

Người dùng cũng không nên tải các ứng dụng từ các nơi không phải Store chính thức (Play Store của Android và Apps Store của Apple). Trên mạng có những trang web cho phép tải về các ứng dụng tương tự như trên store, thậm chí tải miễn phí so với tính phí trên store, hay có sẵn cheat cho các trò chơi. Những ứng dụng tải về theo cách này không đáng tin cậy, vì nó rất có thể đã được gắn thêm mã độc.

Người dùng nên ngắt kết nối Bluetooth hay Wi-Fi ngay khi không sử dụng. Bluetooth là cổng xâm nhập dễ dàng của mã độc, trong khi Wi-Fi có thể tiếp tay cho mã độc hoạt động. Kể cả GPS, người dùng cũng nên tắt nếu không sử dụng.

Hạn chế kết nối smartphone với máy tính qua đường cắm cáp. Nhiều mã độc cũng được truyền sang smartphone qua cách này. Ngày nay, có nhiều cách để chuyển dữ liệu hay sử dụng dữ liệu qua lại giữa smartphone và máy tính, nổi bật nhất là các kho dữ liệu đám mây, hoặc ổ cứng di động đám mây cá nhân.

Thẻ nhớ cũng là phương tiện dễ dính mã độc. Nên sử dụng thẻ nhớ cho riêng máy của bạn và coi đó là phần cứng của máy nhằm mở rộng dung lượng, không nên cho mượn hay trao đổi dữ liệu bằng thẻ nhớ này.

Cài phần mềm diệt virus hay bảo vệ máy liên tục. Như trên, hay chọn phần mềm nổi tiếng và có uy tín tốt. Phần mềm này có thể làm chậm hoạt động của máy, nhưng vẫn tốt hơn là máy bị làm chậm, bị lợi dụng để DDOS hoặc bị mất tiền vì dính mã độc.

MỚI - NÓNG