Điều đáng nói là mặc dù được quảng bá khá tốt trên nhiều nền tảng du lịch, nhưng rất nhiều người dân Hà Nội lại chưa từng nghe đến những bảo tàng thú vị này.
Bảo tàng tư nhân lưu giữ Bảo vật quốc gia
Sự “hay ho” của những bảo tàng tư nhân mấy ngày nay lại được dân xê dịch đem ra bàn luận sôi nổi vì một vài người chủ của những bảo tàng ấy hiện đang sở hữu nhiều bảo vật quốc gia vô giá.
Cụ thể, ngày 18/1, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), nhiều người đã rất tò mò với những thông tin về Thạp đồng Kính Hoa II, hiện thuộc bộ sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội. Ba cổ vật khác gồm: Bình đồng Đông Sơn, Bình gốm hoa nâu, Lư hương gốm men lam xám thuộc bộ sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.
Bảo tàng Đồng Đình (Đà Nẵng) trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ |
Những “bất ngờ thú vị” ở các bảo tàng tư nhân là một câu chuyện chương hồi dài kỳ, kể mãi không hết. Tôi nhớ, vào khoảng năm 2016 khi vào Đà Nẵng, một “thổ địa” ở đây đã kể cho tôi nghe câu chuyện mua nhà đầy ly kỳ của ông chủ Lê Văn Vĩnh, chủ của Bảo tàng nhà Việt (Quảng Nam) như sau: “Lúc ấy có một cái nhà lim Bắc bộ 108 cột gỗ, đẹp không góc chết, Vĩnh muốn mua lắm nhưng chủ không bán. “Rình” trường kỳ, hắn còn đóng vai đạp xích lô để tiếp cận con trai người ta, bà chủ ốm thì tất tả chạy vào viện thăm hỏi, rồi có cơ hội thì kể chuyện mình yêu cái nhà Việt thế nào, muốn giữ lại nó ra làm sao, kẽo kẹt tận 4 năm họ mới đồng ý sang nhượng”.
Sự thật về câu chuyện mua nhà sau đó tôi được kiểm chứng, có đôi chỗ bị làm quá lên, nhưng không thể phủ nhận, chính vì những chi tiết hậu kỳ đậm chất xi nê này đã khiến sức hấp dẫn của Bảo tàng nhà Việt trở nên đặc biệt hơn. Đến nỗi chúng tôi phải đổi vé máy bay để có nguyên một ngày tham quan bộ sưu tập “có cái nhà mua mất 4 năm”.
Một góc bảo tàng An Biên lưu giữ nhiều Báu vật quốc gia |
Lại nói về ba cổ vật mới được xếp hạng thuộc Bảo tàng tư nhân An Biên, đây không phải lần đầu “đại gia” Hải Phòng Trần Đình Thăng sở hữu bảo vật quốc gia: trước đó, trong bộ sưu tập của ông đã có 15 hiện vật được công nhận. Bảo tàng tư nhân An Biên từ lâu đã trở thành điểm đến nổi tiếng ở đất Cảng, thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là những người yêu thích văn hóa, cổ vật.
Bảo tàng tư nhân chính là một điểm đến du lịch
“Trai vét nồi cơm” làm từ mảnh xác máy bay Mỹ “điểm đến đề cử” |
Mấy năm đổ lại đây, ngoài các bảo tàng của nhà nước, số lượng bảo tàng tư nhân ở Việt Nam đang ngày một nhiều lên. Theo thống kê, hiện trên cả nước có gần 200 bảo tàng. Trong số đó, bảo tàng tư nhân chiếm khoảng 55 bảo tàng. Hà Nội là địa phương có nhiều bảo tàng tư nhân nhất, với khoảng 15 bảo tàng.
Tôi khá có cảm tình với mô hình bảo tàng này vì tính chất cá nhân và sự sinh động của nó. Ở đây, ta có thể khám phá ra nhiều điều, thậm chí nhiều số phận mà nếu đặt ở trong tương quan một bảo tàng mô hình lớn rất dễ bị nhòe đi, ẩn đi giữa những câu chuyện được xếp theo lớp lang, niên đại...
Một lần đến bảo tàng làng Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội, thứ khiến tôi dừng thời gian ngắm nghía lâu nhất chính là mấy mảnh nhôm được gọi là “trai vét nồi cơm” làm từ mảnh xác máy bay Mỹ rơi ở làng Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội vào năm 1972. Bà Trần Thị Huệ (sinh năm 1953, nhà ở xóm 7 xã Yên Mỹ), người tình nguyện trông bảo tàng miễn phí giải thích: ngày trước mọi nhà đều nấu cơm bằng nồi gang, đun bếp rơm hoặc củi, cơm luôn có cháy.
Khi xới cơm người ta dùng hai cái đũa to vót bằng tre gọi là đũa cả, nhưng lúc đánh cháy ở nồi cơm thì cần một dụng cụ sắc và bén hơn. Thường người dân sẽ dùng cái muôi múc canh bằng nhôm (trước đây đồ dùng bằng inox không phổ biến), muôi nhà nào vét cháy nhiều sẽ vẹt đi cả mảng. Cho nên, có người đi lính về, nghĩ đến việc lấy vỏ máy bay (là một loại vật liệu siêu bền) mài thành hình tứ giác trên nhỏ dưới to, dùng cậy cháy rất nhanh và sạch.
Bảo tàng nhà Việt (Quảng Nam) được các diễn đàn du lịch lớn của thế giới cho vào danh sách |
Rất nhiều bảo tàng tư nhân rải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam hiện đang từng bước tiếp cận được với khách du lịch, nhận về nhiều phản hồi tốt, thậm chí lọt vào danh sách “điểm đến không thể bỏ qua” do những diễn đàn du lịch lớn của thế giới đánh giá như: Bảo tàng Đồng Đình (Đà Nẵng), Bảo tàng nhà Việt (Hội An), Bảo tàng vũ khí (Vũng Tàu), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya - Bình Định (Bình Định), Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh (Nam Định)...
Tuy nhiên, để bảo tàng tư nhân phát huy thế mạnh như là một điểm đến du lịch, nhiều người đã đề xuất Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế đối với bảo tàng tư nhân bởi trên thực tế nguồn thu của bảo tàng không đủ để vận hành. Hiện hoạt động của các bảo tàng tư nhân đang chịu chế độ thuế của doanh nghiệp, chưa được hưởng ưu đãi thuế ở một số dịch vụ như các bảo tàng công lập.
“Các bảo tàng tư nhân sẽ là điều kiện để xã hội hóa, thu hút nhiều người đến tham quan, học tập và là điểm du lịch hấp dẫn. Nếu mỗi địa phương có 3 bảo tàng tư nhân, mỗi bảo tàng kéo dài được 1 tiếng cho khách du lịch tham quan thì chúng ta có khả năng sẽ thêm được một đêm khách lưu trú qua đêm”...
PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia