Bảo quản các di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập ngày 26/9/2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam được thành lập từ năm 1958.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Bảo tàng Lịch sử quốc gia với hướng đi đúng đã thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận ở nhiều lĩnh vực, trong đó có những kết quả nổi bật về công tác bảo quản:

Bảo quản các di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ảnh 1
Bảo quản các di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ảnh 2

Một số hình ảnh cán bộ BTLSQG đang bảo quản trị liệu hiện vật

1. Trước hết, công tác bảo quản phòng ngừa luôn được quan tâm thích đáng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống kho bảo quản hiện vật với các trang thiết bị cần thiết để kiểm soát môi trường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Các kho bảo quản hiện vật không những được phân chia theo giai đoạn lịch sử, nguồn gốc xuất xứ mà còn theo chất liệu để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường kho bảo quản phù hợp với từng chất liệu cụ thể.

Bảo quản các di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ảnh 3

Chuyên gia Nhật Bản bảo quản hiện vật cho BTLSQG trong chương trình do quỹ Sumitomo tài trợ

2. Bên cạnh bảo quản phòng ngừa, Bảo tàng cũng xác định bảo quản trị liệu là một nhiệm vụ không thể thiếu trong bảo quản hiện vật bảo tàng. Đối với những tài liệu hiện vật đã và đang bị xuống cấp, để đáp ứng tốt cho trưng bày, đảm bảo duy trì hiện vật ở tình trạng tốt nhất có thể và lưu giữ được lâu dài, Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng bước đầu tư, trang bị một phòng thí nghiệm với những trang thiết bị cần thiết. Nhờ đó, nhiều hiện vật với chất liệu khác nhau đã được bảo quản thành công tại Bảo tàng, vừa kéo dài được tuổi thọ vừa giữ được nguyên vẹn giá trị lịch sử, nghệ thuật của hiện vật góp phần không nhỏ cho thành công của các cuộc trưng bày đồng thời phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và bảo tồn hiện vật lâu dài cho các thế hệ tương lai.

3. Góp phần nâng cao chất lượng của công tác bảo quản, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác bảo quản đã được Bảo tàng đặc biệt quan tâm. Những qui trình bảo quản hiện vật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia áp dụng không phải được thực hiện một cách máy móc theo các qui trình đã được công bố trên thế giới mà là kết quả của nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn với các sưu tập hiện vật của Việt Nam trong điều kiện cơ sở vật chất và khí hậu của Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học và thực tiễn để Bảo tàng xây dựng các qui trình và thực hiện tu sửa, bảo quản thành công nhiều sưu tập tài liệu, hiện vật chất liệu giấy, gốm, kim loại,... Điển hình là đề tài nghiên cứu ứng dụng Benzotriazol trong ức chế bề mặt đồ đồng Đông Sơn đã được nghiên cứu và thực hiện thành công tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Phát huy những kết quả trên, Bảo tàng đã thực hiện thành công đề tài Nghiên cứu xây dựng qui trình bảo quản hiện vật khảo cổ học chất liệu đồng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

4. Với vai trò là một trong những bảo tàng đầu hệ trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cầu nối với các bảo tàng trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ bảo tàng, đặc biệt là nghiệp vụ bảo quản. Không chỉ giới hạn trong phạm vi Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang tư vấn và thực hiện tu sửa, bảo quản hiện vật cho các nhà sưu tập tư nhân, nhiều bảo tàng và di tích trong cả nước đạt kết quả tốt như Bảo tàng Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng trị, Điện Biên, Nghệ An,...

5. Bảo tàng Lịch sử quốc gia luôn chú trọng phát huy, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản hiện vật (đào tạo cán bộ, trao đổi tài liệu, chuyển giao công nghệ,...) với nhiều tổ chức, bảo tàng, viện nghiên cứu nước ngoài như: Phái đoàn Wallonie Bruxelles (Bỉ), Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản,... Nhiều khoá đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ về kỹ thuật bảo quản ở trong và ngoài nước đã được tổ chức, nhiều lượt cán bộ bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và bảo tàng trong cả nước đã được tham gia. Qua đó cán bộ được nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng trong bảo quản hiện vật bảo tàng.

MỚI - NÓNG