> Tìm “đồi Bucarest” ở Điện Biên
> Hồi ức của người lính cảm tử tháo quả thủy lôi đầu tiên
Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 đại đoàn 316 tặng con dao đa năng thu được trên bàn của Tướng Đờ Cát. |
Tiền phong Chủ nhật có cuộc trao đổi với ông Vũ Nam Hải - Giám đốc Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ( gọi tắt là Bảo tàng ĐBP).
Ông có thể cho biết tình trạng hiện vật ở Bảo tàng ĐBP hiện nay?
Bảo tàng đang quản lý lưu giữ gần 3.000 tài liệu, hiện vật về chiến dịch, trong đó trưng bày trong nhà gần 500 tài liệu và hiện vật, trưng bày ngoài trời 383 hiện vật, còn lại hơn 2.000 hiện vật đang được lưu kho.
Tiến độ xây dựng hiện như thế nào, thưa ông?
Theo thiết kế nhà Bảo tàng ĐBP được xây dựng rất quy mô với tổng mức kinh phí 211 tỷ đồng và đặc biệt dự kiến sẽ thể hiện tranh panorama tái hiện diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là bức tranh tròn lần đầu tiên được thể hiện tại Việt Nam. Nhà Bảo tàng là nhà cấp I, gồm 1 tầng nổi và 1 tầng hầm, cao 13,2 m. có hình tròn... Tiến độ xây dựng theo tôi có thể đang bị chậm, chủ yếu do thiếu kinh phí và liên quan giải phóng mặt bằng.
Hiện nay “chủ nhà” còn lại rất ít hiện vật. Tại sao lại như vậy?
Hiện nay số lượng hiện vật liên quan đến chiến thắng ĐBP có ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN) khá nhiều và phong phú, bởi vì trước đây Bảo tàng ĐBP và các điểm thuộc Di tích chiến trường ĐBP nằm dưới sự quản lý cúa Phân viện Bảo tàng Điện Biên trực thuộc viện Bảo tàng Quân đội (nay là BTLSQSVN).
Tôi cho rằng Bảo tàng ĐBP trong tương lai sẽ là một địa chỉ hấp dẫn, là một trường học, là nơi lưu giữ nhiều tư liệu hiện vật gốc vô giá mà trên thế giới không thể có, chỉ đến đây mới có được. Ông Vũ Nam Hải – Giám đốc Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ |
Việc di chuyển hiện vật đều do quản lý của Viện Bảo tàng Quân đội, vì trước đây phân viện Điện Biên Phủ không có kho đảm bảo, chỉ là kho tạm. Vì vậy, toàn bộ hiện vật, tài liệu quý hiếm đều được mang về cất giữ tại Bảo tàng Quân đội và kho ở Lai Xá - Hà Nội.
Đến năm 1996, phía quân đội bàn giao khu di tích ĐBP và nhà trưng bày chiến thắng ĐBP cho tỉnh Điện Biên, thì chỉ bàn giao khu di tích chiến trường ĐBP, nhà trưng bày chiến thắng ĐBP và một số hiện vật tại kho tạm của Phân viện Bảo tàng ĐBP. Còn toàn bộ hiện vật, tài liệu đang được cất giữ ở kho tại Hà Nội thì không bàn giao.
Chúng tôi đã có những cuộc làm việc đề nghị Bảo tàng LSQSVN và một số bảo tàng khác chia sẻ hiện vật để trưng bày cho dịp kỷ niệm 60 năm, nhưng đến thời điểm này vẫn đang chờ xin ý kiến của các cấp thẩm quyền.
Tại sao một cuộc vận động hiến tặng kỷ vật hiện vật không được tổ chức sớm hơn mà đợi đến bây giờ?
Năm 1996, Bảo tàng ĐBP cùng Di tích chiến trường ĐBP được Viện Bảo tàng quân đội bàn giao lại cho tỉnh và giao cho Bảo tàng tổng hợp của tỉnh quản lý. Đến 2004, Bảo tàng ĐBP được tách ra khỏi Bảo tàng tổng hợp của tỉnh với đội ngũ vỏn vẹn… 14 người.
Khác với các bảo tàng khác, Bảo tàng ĐBP là Di tích chiến trường nằm rải rác trên địa bàn rộng, kéo dài từ Tuần Giáo vào Điện Biên, số nhân lực này chỉ đảm đương được công tác bảo vệ và phục vụ khách đến tham quan.
Mọi hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng ĐBP phải đến năm 2008 mới bắt đầu, song do nguồn kinh phí quá thấp khiến hoạt động của Bảo tàng vô cùng khó khăn.
Bảo tàng đã chủ động tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình tỉnh Điện Biên tổ chức lễ phát động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng ĐBP ngay từ đầu năm.
Thông qua lễ phát động này, chúng tôi mong sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, chung tay góp sức của các bảo tàng, các tập thể cá nhân, các đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia chiến dịch ĐBP, đặc biệt là các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, gia đình thân nhân các liệt sỹ và các lực lượng tham gia chiến dịch ĐBP.
Di Du
thực hiện