Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành

Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành
TPO - Ngoài khơi Thái Bình Dương, xuất hiện hai cơn bão mới gây gió mạnh ở đông bắc Biển Đông, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV) cảnh báo tàu thuyền không nên đi đến khu vực này.

>> Tường trình từ rốn lũ

Hai cơn bão đang di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 25 - 30 km/giờ và sẽ trở thành siêu bão trong khoảng 2 - 3 ngày tới. Một cơn sẽ đạt cấp 16 - 17, cấp cuối cùng trong thang độ gió Beaufort (khoảng 250 km/giờ).

Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành ảnh 1
Mưa, bão tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Huy

Lũ miền Trung xuống chậm

Ngày 30/9, các tỉnh Trung Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn mưa nhưng cường độ giảm đáng kể. Lũ các sông từ Quảng Trị đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk đã đạt đỉnh và đang xuống nhưng chậm, nên còn ở mức cao trong 1 - 2 ngày tới.

Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to. Lũ các sông đang lên nhanh: trên sông Gianh tại Mai Hoá có khả năng lên mức 6,8 m; trên báo động 3 0,8 m; sông La tại Linh Cảm lên mức 4,0 m, sau đó còn tiếp tục lên.  

Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành ảnh 2
Tiếp tế hàng cho người dân vùng lũ từ trên cao. Ảnh: Nam Cường

92 người chết, 19 người mất tích vì bão số 9

Theo số liệu từ các địa phương, tổng cộng có 92 người chết, 19 người mất tích do bão số 9. Một số địa phương đã có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 678 tỉ đồng, 24.100 tấn gạo... để khắc phục hậu quả của bão.

Số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy, tính đến sáng nay, 1/10, bão số 9 làm 92 người thiệt mạng và 19 người mất tích. Quảng Ngãi là địa phương có số người thiệt mạng nhiều nhất, với 27 người.

Các địa phương có số người thiệt mạng nhiều khác do bão là Kon Tum (21 người), Nghệ An (9 người), Thừa Thiên - Huế (6 người), Bình Định (6 người), Quảng Trị (5 người), Hà Tĩnh (4 người), Quảng Nam (5 người). Bão số 9 cũng làm 199 người khác bị thương.

Bão cũng làm 6.376 ngôi nhà bị sập, trôi, hàng trăm nghìn ngôi nhà khác bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng và gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp với hàng trăm nghìn lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị ngập, hư hại.

Xin hỗ trợ 678 tỉ đồng khắc phục hậu quả của bão

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, các địa phương đã xin hỗ trợ tổng cộng 24.100 tấn gạo, trong đó Nghệ An xin hỗ trợ 5.000 tấn; Quảng Bình 600 tấn; Quảng Trị 10.000 tấn; Thừa Thiên - Huế 500 tấn; Quảng Ngãi 5.000 tấn; Bình Định 2.000 tấn; Kon Tum 1.000 tấn.

Một số địa phương như Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng xin hỗ trợ thêm 600 tấn giống lúa, 20 tấn giống rau, 30 tấn giống ngô để giúp người dân phục hồi sản xuất sau bão.

8 địa phương là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum cũng có văn bản xin hỗ trợ tổng cộng 678 tỉ đồng khắc phục hậu quả của bão số 9.

Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành ảnh 3
Chuyển mì tôm cứu hộ cho đồng bào vùng bão lũ. Ảnh: Nam Cường

Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn các lực lượng đến hết ngày 30/9 đã tiếp cận và cứu được 86 người dân bị cô lập khu vực cầu Đăkbla (Kon Tum); tổ chức cứu nạn 15 người dân bị cô lập của Quảng Ngãi; tổ chức chuyên chở 3.905kg hàng hoá cứu trợ đến vùng ngập lụt bị chia cắt của tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Tin từ Bộ Công Thương cho biết, đến 17h30 ngày 30/9, Tập đoàn điện lực Việt Nam khắc phục được sự cố các đường dây 500kV, 220kV. Tại Quảng Ngãi đã cấp điện các khu vực quan trọng trong đó có nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy nước LILAMA.

Tại Đà Nẵng, đã khôi phục được 21/39 tuyến 15kV, 22kV, và sẽ khôi phục hầu hết lưới điện ngoại trừ các khu vực Hoà Minh, Hoà Liên, Hoà Sơn, Hoà Bắc, Hoà Ninh.

Vùng thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam còn bị mất điện chưa khôi phục được, riêng tỉnh Quảng Nam mới chỉ cấp điện lại cho trung tâm hành chính tỉnh và một số cơ quan, đơn vị, bệnh viện, nhà máy nước, khu công nghiệp. Tại Kon Tum hiện đang mất điện toàn bộ khu vực.

Đà Nẵng: Năm ngày mới dọn xong rác

Từ sáng sớm 30/9, công tác dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh sau mưa bão được ngành chức năng TP Đà Nẵng khẩn trương tiến hành.

Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành ảnh 4
Người dân thành phố Đà Nẵng chủ động dọn vệ sinh. Ảnh: Nguyễn Huy.
Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành ảnh 5

Bão số 9 vừa tan, hai bão mới hình thành ảnh 6

Ngành chức năng trên địa bàn thành phố khẩn trương dọn dẹp đảm bảo vệ sinh sau bão lũ. Ảnh: Nguyễn Huy

Ông Lê Đỡ, Phó giám đốc công ty Vệ sinh môi trường TP Đà Nẵng cho biết: Đơn vị huy động hơn 1.100 cán bộ, công nhân và 50 xe máy để dọn rác và cây cối sau bão. Đồng thời, TP Đà Nẵng cho phép công ty huy động thêm 500 thanh niên tình nguyện và 200 bộ đội và thuê thêm 50 xe máy để tăng cường dọn dẹp.

Tuy nhiên, dự kiến, đơn vị phải mất đến năm ngày mới dọn hết số rác trên khắp các khu vực chính của thành phố do mưa bão gây ra.

Theo ông Nguễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, đơn vị chuẩn bị 147 cơ số thuốc sát trùng khử khuẩn để vệ sinh môi trường sau lũ. Sở cũng đang đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.000 viên Cloramin B, hai tấn cloramin bột và 500 viên khử khuẩn nước để phát cho người dân.

Đồng thời, sở chỉ đạo các trung tâm y tế quận huyện chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng ra quân vệ sinh môi trường ngay sau khi các ngành giao thông công chính, tài nguyên môi trường và vệ sinh môi trường dọn dẹp hết rác thải.

Trước mắt, ngành sẽ tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, nhất là về tiêu hóa, hô hấp, bệnh mắt.

MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.