Bão số 5 có thể giật cấp 12, gây sạt lở, lũ quét

Bão số 5 có thể giật cấp 12, gây sạt lở, lũ quét
TPO - Ngày 16-8, Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão TƯ, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu (TKCN) nạn có công điện, yêu cầu các bộ ngành, địa phương ứng phó với bão số 5.

Nhiều khả năng, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển bắc vịnh Bắc bộ và gây mưa to, đến rất to ở vùng núi phía Bắc từ trưa, chiều tối 17-8.

Vùng mây khổng lồ của bão số 5 (tên quốc tế Kai-tak) trưa 16-8. Ảnh: HKO
Vùng mây khổng lồ của bão số 5 (tên quốc tế Kai-tak) trưa 16-8. Ảnh: HKO.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, lúc 16 giờ ngày 16 - 8, bão số 5 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía đông bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12 (từ 103 đến 133 km/h), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo, ngày 17 - 8, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, tốc độ khoảng 20 – 25 km/h và còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 16 giờ ngày 17-8, tâm bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 220 km về phía đông. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Sau đó, bão tiếp tục giữ tốc độ, di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, đi dọc ven biển phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Rạng sáng 18-8, khả năng áp thấp nằm trên vùng biên giới các tỉnh Quảng Ninh -Lạng Sơn.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc vịnh bắc Bộ (bao gồm cả vùng biển vịnh Hạ Long) từ trưa 17-8, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng chiều tối và đêm 18-8 có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7; các tỉnh Bắc bộ từ chiều và đêm mai có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Công điện cho biết, vùng nguy hiểm trong hai ngày tới là phía bắc vĩ tuyến 18. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế kiểm đếm tàu thuyền, thường xuyên liên lạc, thông báo cho chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng ảnh hưởng của bão.

Hai tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, cần quản lý chặt chẽ, tổ chức neo đậu tàu thuyền trong các khu trú tránh, có phương án di chuyển, bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Công điện cũng lưu ý các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là Hà Nội kiểm tra, rà soát phương án tiêu nước đệm, đề phòng mưa lớn gây ngập úng.

Các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, có phương án sẵn sàng sơ tán dân ở điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở, bờ sông, suối, đặc biệt nơi có nguy cơ sạt lở đất đá.

Địa phương cử người canh gác, hướng dẫn người dân tại khu vực các ngầm, đường qua suối, bến đò, những tuyến đường bị ngập để đảm bảo an toàn; cùng đó kiểm tra hồ đập, nhà cửa, công trình đang thi công, vận hành hồ chứa đúng quy trình.

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, đến chiều 16-8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, đã phối hợp, thông báo, hướng dẫn cho 23.846 tàu/102.456 ngư dân, đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Trong đó, có 91 tàu/1.117 người hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; 4.964 tàu/23.868 người hoạt động ở vùng biển vịnh Bắc bộ; còn hoạt động ở các vùng biển khác và neo đậu tại bến.

Theo Viết
MỚI - NÓNG