Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề: Các địa phương chủ quan?

Khắc phục mưa lũ, thông đường tại TT-Huế. Ảnh: Ngọc Văn.
Khắc phục mưa lũ, thông đường tại TT-Huế. Ảnh: Ngọc Văn.
TP - Bão số 12 làm 58 người chết, mất tích, hơn gần 230 tàu thuyền bị đánh chìm, hơn 43.600 nhà bị tốc mái hư hỏng… Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho rằng, các địa phương đã có sự chủ quan, lúng túng trong chỉ đạo, trong khi kịch bản ứng phó “còn xa rời thực tế”. Trong khi đó, mưa lũ ở miền Trung đang lên rất nhanh, trong đó cần phải lên kịch bản xấu nhất.

Phương án còn “xa rời thực tế”

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, bão số 12 là cơn bão mạnh, độ rủi ro thiên tai tới cấp 4 (là cấp chỉ đứng sau thảm họa) ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Khoảng 6 giờ 4/11, bão đổ bộ vào đất liền tại tỉnh Khánh Hòa gây gió giật mạnh nhất ở cấp 12-13; còn ở Bình Định, Phú Yên cấp 13; Lâm Đồng cấp 10-11 và các khu vực khác có gió giật mạnh cấp 7-9. Đặc biệt, bão duy trì gió mạnh trên đất liền kéo dài (12 tiếng), phạm vi ảnh hưởng rộng, các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Bão gây mưa lớn từ 400-600mm tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, từ 300-500mm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ 200-300mm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên…

Đến chiều qua (5/11), bão đã làm 29 người chết (Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3 người, Khánh Hòa 16 người, Lâm Đồng 3 người, Đăk Lắk 1 người và 4 người sự cố tàu vận tải); 29 người mất tích (Bình Định 4 người, Phú Yên 1 người và 24 người do sự cố tàu vận tải).

Vì sao dự báo, cảnh báo sớm về độ “phá” của bão, nhưng thiệt lại lớn? Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho rằng, trong ứng phó với bão số 12 có sự lúng túng, có địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến thiệt hại lớn.

“Trong bão số 12, T.Ư đã huy động toàn bộ các nhà mạng, kể cả dịch vụ nhắn tin miễn phí vào cuộc, liên tục ra công điện, họp trực tuyến chỉ đạo nhưng các địa phương triển khai công tác ứng phó, nhưng các địa phương triển khai ra sao?”-ông Hoài đặt vấn đề.

Ông Hoài cho rằng, tại sao đã kêu gọi hơn 70 nghìn tàu thuyền vào bờ trú tránh, nhưng tàu vận tải dường như không quan tâm đến cảnh báo, các địa phương cũng không quan tâm? “Ngay như Bình Định, hôm qua báo chìm 8 tàu, nay lại báo lên 10 chiếc. Địa phương không nắm được như vậy thì rất khó trở tay”- ông Hoài nói.

Trong báo cáo Thủ tướng về cơn bão 12, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cũng chỉ rõ: Nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.

 Lên kịch bản xấu nhất cho miền Trung

Tại cuộc họp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ sau bão ở miền Trung chiều 5/11, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư cho biết, khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, lượng mưa lớn 200-300mm. Hiện khu vực Phú Yên, Khánh Hoà đã có lũ trên báo động 3, Quảng Bình-Quảng Ngãi lũ cũng đang lên rất nhanh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng cho biết, hiện lượng nước về lưu vực sông Hương đã lên khoảng 1 tỷ m3. Các hồ chỉ được tích 50%, tức là phải xả 500 triệu m3. Trong những ngày tới, nếu tiếp tục mưa lớn, sẽ phải xả mức cao hơn. Do vậy, việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn đập ở mức cao nhất. Có an toàn hồ đập thì mới đảm bảo được an toàn cho hạ du. “Phải tính đến các kịch bản xấu để chủ động di dân, đặc biệt là trong tình huống các hồ chứa thượng nguồn hết dư địa tích nước là phải xả nguyên lượng nước về”- ông Thắng nói.

Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai - ông Nguyễn Xuân Cường nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa, là hồ, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực. Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn”. Cần phải lên các kịch bản ứng phó cụ thể, trong đó có cả kịch bản xấu nhất nếu tiếp tục có mưa lớn.          

MỚI - NÓNG