Bão số 11 sắp tan, Biển Đông chuẩn bị đón bão số 12

Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của 2 cơn áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 11 và áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines có khả năng vào Biển Đông.
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của 2 cơn áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 11 và áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines có khả năng vào Biển Đông.
TPO - Áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines đang tiến vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão số 12. Trong khi đó bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và dự báo tan trên biển.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 13 giờ chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới đang cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 13 giờ ngày 8/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão, trở thành bão số 12 trong mùa mưa bão năm nay. Đến 13 giờ ngày 9/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 160km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Những nhận định sớm cho thấy, bão số 12 có khả năng tác động đến đất liền nước ta, gây mưa lớn và gió giật mạnh.

Trong khi đó chiều nay, bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 8/11, trung tâm vùng áp thấp cách đảo Đài Loan khoảng 300km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 11 vẫn gây ra một vùng nguy hiểm trên Biển Đông từ vĩ tuyến 20,0 đến 23,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ Kinh Đông với gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng này có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Ngoài 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên, khoảng ngày 12-13/11, trên Biển Đông có thể xuất hiện thêm một cơn bão/ATNĐ nữa. Bão/áp thấp nhiệt đới này có khả năng hướng về đất liền nước ta.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ khoảng ngày 9 -12/11, ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các đô thị. Diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh Trung Bộ sẽ còn phức tạp và có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của áp thấp nhiệt đới/bão.

Mùa mưa bão năm nay được đánh giá là dị thường khi bão/áp thấp nhiệt đới nối đuôi nhau xuất hiện trong suốt tháng 10 và nửa đầu tháng 11, gây ra nhiều đợt mưa lớn, kéo theo đó là lũ lụt, sạt lở đất ở khắp miền Trung nước ta. Trong đó cơn bão số 9 đổ bộ vào Nam Trung Bộ là một trong 2 cơn bão mạnh nhất 20 năm qua, gây ra sức tàn phá khủng khiếp cho các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên.  Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

MỚI - NÓNG