Bão số 10 có thể gây mưa lớn tại Quảng Nam - Quảng Ngãi

Mưa ngập ở Quảng Nam - Ảnh: Vietnamnet
Mưa ngập ở Quảng Nam - Ảnh: Vietnamnet
TP - Dự báo, bão số 10 di chuyển khá chậm trên biển Đông và suy yếu khi đi vào gần bờ các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hoà. Tuy nhiên, hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn, đặc biệt ở khu vực chịu thiệt hại nặng nề do bão số 9 vừa qua là Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ngày 3/11, tại cuộc họp ứng phó bão số 10 hôm qua, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, sau khi vào biển Đông, bão di chuyển tương đối chậm, khoảng 10 km/h, theo hướng Tây Tây Nam. Đến khoảng 16 giờ hôm nay (4/11), bão số 10 cách vùng biển Quảng Ngãi-Khánh Hoà khoảng 340 km về phía đông, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. 

Theo ông Khiêm, khi đi gần sát bờ, bão gặp ma sát nên sẽ giảm cấp. Đến khoảng 14 giờ chiều 5/11, bão nằm ngay trên bờ biển Quảng Ngãi-Khánh Hoà, với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo, bão sẽ tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền các tỉnh nói trên. Ông Khiêm lưu ý, tuy bão có thể suy yếu, nhưng hoàn lưu của bão có khả năng gây mưa lớn. Cụ thể, từ ngày 4-6/11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt. Còn ở Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt. 

Ngoài ra từ tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị, từ ngày 5-7/11, hoàn lưu của bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây đợt mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Ông Khiêm cảnh báo, đợt mưa này có thể gây lũ lên báo động 2-3 trên sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở những địa phương này. 

Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, lưu ý, Bộ đội biên phòng, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp hệ thống tuyến biển kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu thuyền, nhất là còn 8 phương tiện/60 lao động (Bình Định) trong vùng nguy hiểm và các tàu vãng lai. “Tàu pha sông biển thường hoạt động khu vực cửa sông, khi có lũ thường dây neo và gây ra sự cố, như 3 tàu Vietship ở Quảng Trị vừa rồi”, ông Hoài cảnh báo.
Ông Hoài yêu cầu, riêng khu vực từ Phú Yên-Khánh Hoà, kiểm tra đôn đốc cụ thể từng việc, vì đây là khu vực nuôi trồng thủy sản rất lớn. “Người dân của đau con xót ở chỗ này nên phải hết sức lưu ý. Cơn bão số 12 năm 2017 thiệt hại tới 20.000 tỷ đồng, thiệt hại về người cũng lớn, trong đó chủ yếu ở khu vực Phú Yên và Khánh Hòa”, ông Hoài nói. 

Ban chỉ đạo T.Ư cũng yêu cầu các địa phương vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện, nhất là hồ đập nhỏ,  xung yếu. Ngoài ra, hiện có khoảng 7.000 người tham gia lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại khu vực sạt lở ở miền Trung. “Cơ quan dự báo cần thông tin sâu, cụ thể hơn về tình hình mưa lũ, sạt trượt ở khu vực đang tìm kiếm cứu nạn. Nếu mưa lũ quá lớn phải rút quân, vì những bài học đau xót thời gian quan rồi”, ông Hoài lưu ý.

Tất bật chống bão

 Ngày 3/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết vừa ban hành công văn khẩn về việc ứng phó bão số 10.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro để nhân dân biết, chủ động ứng phó. “Kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hoàn thành trước 11 giờ ngày 4/11, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung”, ông Bửu yêu cầu.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Nam, bão số 9 khiến 27.750 nhà bị hư hỏng; hàng trăm công trình, đường sá bị sạt lở nghiêm trọng, có điểm bị cắt đứt hoàn toàn gây cô lập. Mưa bão và sạt lở làm 27 người chết, 20 người mất tích. 

Những ngày này, hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân và người dân cắt rừng, cõng từng chuyến hàng tiếp tế cho 3.000 người dân xã Phước Lộc và xã Phước Thành (huyện Phước Sơn) bị cô lập. Máy bay cũng thả hàng tiếp tế. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, bằng mọi cách cần đưa lương thực tiếp tế đủ trong 30 ngày cho người dân bị cô lập.

Ở Quảng Nam, các lực lượng tìm kiếm đang chạy với thời gian, đua với bão số 10 để khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân vẫn còn mất tích do sạt lở. Hiện vẫn còn 14 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và 3 người, bao gồm cán bộ và người dân, mất tích do sạt lở ở xã Tam Lộc. 

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu, công tác tìm kiếm phải khẩn trương, tuy nhiên cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.