Báo Nga: Nhật đang chuẩn bị chiến tranh

Báo Nga: Nhật đang chuẩn bị chiến tranh
TPO-Tokyo đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm tăng cường sức mạnh lực lượng hải quân với việc liên tiếp hạ thủy các chiến hạm lớn tối tân, mua sắm thêm nhiều loại vũ khí mới.

Báo Nga: Nhật đang chuẩn bị chiến tranh

> Nhật Bản có thể từ bỏ điện hạt nhân

> Mỹ, Nga thống nhất tiêu hủy vũ khí hóa học Syria

 

Cách đây không lâu, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã tổ chức một buổi lễ chính thức hạ thủy tàu sân bay trực thăng mới "Izumo" DDH -183. Và năm tiếp theo, lực lượng phòng vệ biển lên kế hoạch để mua các xe thiết giáp đổ bộ lưỡng cư, trong điều kiện cần thiết có thể được sử dụng để đổ bộ quân lên các hòn đảo trong trường hợp có tranh chấp vũ trang.

Hạ thủy tàu trực thăng đổ bộ “Izumo”

Hạ thủy tàu trực thăng đổ bộ “Izumo”.  

Tàu sân bay trực thăng "Izumo" có chiều dài 248m, chiều rộng 38 m, lượng giãn nước khoảng 24.000 tấn. Tàu có thể mang trên mình nó 14 trực thăng chiến đấu hoặc cứu hộ. Trên boong tàu, cùng một lúc có thể cất cánh được 5 máy bay trực thăng chiến đấu, trong đó có cả máy bay đổ bộ hiện đại gấp mở của Mỹ MV-22 Osprey. Tàu được công ty đóng tàu Universal Shipbuilding Corp và IHI Marine United thực hiện). Dự án này có trị giá khoảng 1,22 tỷ USD. Tàu sẽ được đưa vào biên chế cho lực lượng phòng vệ hải quân Nhật bản vào năm 2015 .

Trước tàu "Izumo" DDH 183 các tàu đổ bộ trực thăng lớn nhất ở Nhật Bản tình từ sau chiến tranh thế giới thứ hai là tàu đổ bộ trực thăng "Hyuga» DDH-181 và "Ise» DDH-182, các tàu đều có lượng giãn nước 18.290 tấn, chiều dài 197 mét, rộng 33 m và mức ngấn nước là 9,7 m Những chiến hạm này được đưa vào phục vụ vào năm 2009 và 2011.Hiện nay, Nhật Bản đang chuẩn bị để đóng một tàu đổ bộ tương tự như "Izumo» - DDH-184.

Tàu sân bay trực thăng “Hyuga”
Tàu sân bay trực thăng “Hyuga”.
 

Trên tàu sân bay trực thăng "Izumo” sẽ có một không đoàn máy bay trực thăng 9 chiếc bao gồm: 7 chiếc trực thăng chống ngầm SH-60K «Sihouk» (Sikorsky/ Mitsubishi SH-60K Seahawk) và hai chiếc trực thăng chống thủy lôi loại MCH-101 (AgustaWestland/Kawasaki MCH-101), những máy bay này sẽ thay thế các máy bay đang sử dụng hiện tại trong Hải quân là MH-53E (Sikorsky/ Mitsubishi S-80M-1 (MH-53E) Sea Dragon).

Khác biệt so với các tàu sân bay AVL Hyuga, tàu sân bay trực thăng "Izumo" không trang bị ngư lôi. Nhưng được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa: hai bệ phóng của tổ hợp tên lửa phòng không SeaRAM (Mk 15 Mod 31) tầm ngắn và tổ hợp súng phòng không tự động hai súng sáu nòng Phalanx Block IA nhằm đánh chặn tên lửa ở tuyến phòng thủ cận gần.
Những sự kiện đã nêu gây lên những phản ứng trái chiều từ các nước láng giềng của Nhật, tất nhiên đầu tiên là Trung Quốc. Sự phát triển và tăng cường thêm sức mạnh hải quân của Nhật Bản có thể dẫn đến sự mất cân bằng lực lượng vốn đã mong manh ở trên biển Hoa Đông. Quá trình hoàn thiện tàu "Izumo” lại trùng với diễn biến căng thẳng tiếp theo trong tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku.

Chính quyền Nhật Bản tuyên bố rằng, tàu sân bay trực thăng không sử dụng cho tấn công, mà có mục đích phòng thủ biển đảo và cứu hộ. Nhưng rõ ràng các nhà quân sự Nhật đã không nói hết sự thật khi tuyên bố rằng tàu đổ bộ chỉ dành riêng cho mục đích phòng ngự. Các chuyên gia quân sự khẳng định rằng, tàu đổ bộ với đường băng dài như vậy hoàn toàn không có khó khăn để chuyển đổi thành tàu sân bay, nếu như Nhật có máy bay tiêm kích F-35 cất cánh thẳng đứng thì điều đó gần như đã sẵn sàng. Ngoài ra, tháng 7 tờ báo The Japan Times công bố thông tin cho rằng, bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật bản dự kiến sẽ đóng thêm hai tàu khu trục vào giai đoạn 2013 – 2015. Trong biên chế của lực lượng phòng vệ biển Nhật bản đã có 6 chiếc tàu khu trục như vậy, được trang bị hệ thống công nghệ thông tin đánh chặn tên lửa Aegis.

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực. Trong lính vực công nghệ quân sự, các chiến hạm của Nhật được trang bị không kém hơn Trung Quốc ở bất cứ điểm nào, có những mặt vượt trội hơn. Sức mạnh của hải quân Trung Quốc thực tế dựa vào số đông của các hạm đội chiến hạm nổi và tàu ngầm, trong khi chất lượng và kinh nghiệm thực tế không được đánh giá cao.

Tại Bắc Kinh, người Trung Quốc không khỏi lo lắng liên quan đến sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản. Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc coi lễ hạ thủy tàu "Izumo” là biểu hiện rõ ràng của sự phục sinh chế độ quân phiệt Nhật bản. “Tàu sân bay trực thăng mang tên "Izumo”  đó là tên gọi đã từng được sử dụng làm kỳ hạm của các hải đoàn Hải quân Nhật Bản trong cuộc chiến tranh xâm lược chống Trung Hoa” - tờ Nhân dân Nhật báo nhận định.

Điểm thêm vào tình hình đang nóng lên rõ rệt là quân đội Nhật Bản dự kiến vào năm 2014 sẽ mua của Mỹ các xe đổ bộ lưỡng cư AAV-7. Để thực hiện mục tiêu này chi tiêu quốc phòng sẽ được tăng cường từ ngân sách quốc gia. Các xe đổ bộ lưỡng cư bánh xích có khả năng cơ động trên biển và tiến hành đổ bộ lên bãi biển hoặc hải đảo. Các xe lượng cư AAV-7 được lính thủy đánh bộ Mỹ sử dụng tiến hành các hoạt động đổ bộ ở khắp mọi cuộc chiến tranh trên thế giới.

Xe đổ bộ lưỡng cư AAV -7
Xe đổ bộ lưỡng cư AAV -7.
 

Đánh giá các hoạt động tích cực của Nhật Bản trong lĩnh vực quốc phòng, văn phòng thông tin Bộ quốc phòng trung Quốc nhận định: Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến sự mở rộng sức mạnh quân sự Nhật Bản, các nước láng giềng nhật Bản và cộng đồng quốc tế cần phải thận trọng đánh giá các hành động trong mỗi quan hệ với Nhật Bản. “Nước Nhật cần rút ra những bài học từ lịch sử, duy trì chiến lược phòng thủ, nghiêm ngặt tuân thủ lời hứa phát triển hòa bình”- Bài viết nhận định.

Sự gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia do mâu thuẫn về chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư theo cách gọi của Trung quốc). Xung đột ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu vào tháng 9.2012, sau khi chính quyền Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa quần đảo này. Động thái trên được thực hiện sau khi quần đảo được mua lại từ các chủ sở hữu tư nhân. Khi đó Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối Nhật Bản. Các động thái tiếp theo của cả hai bên tiếp tục gia tăng căng thẳng trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước. Theo quan điểm của Trung Quốc, quần đảo đã nằm trong thẩm quyền quản lý từ nhiều thế kỷ trước. Các nhà lịch sử Trung Quốc cho rằng người Hoa đã sở hữu và khai thác vùng đảo này từ thời nhà Minh. Chỉ đến năm 1895 Nhật Bản mới sát nhập quần đảo này vào lãnh thổ của mình. Theo hiệp định Shimonoseki thì Trung Quốc cũng mất chủ quyền ngay cả đảo Đài Loan.

Chiến tranh thế giới thứ hai thứ II kết thúc, quần đảo Senkaku được đặt dưới sự kiểm soát tạm thời của Mỹ. Hiệp định ký kết vào năm 1971, đã chuyển giao các quần đảo về dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản (Trung Quốc từ chối công nhận tính hợp pháp của hiệp định này). Cũng có những tài liệu quan trọng khác cho phép Trung Quốc có cơ sở lý luận xa hơn trong tranh chấp. Tuyên bố Potsdam, được ký kết sau khi Nhật Bản đầu hàng, có xác định trả lại cho Trung Quốc của tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, được cho rằng bao gồm cả quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Hầu hết các chuyên gia quân sự đều không khẳng định khả năng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện vì những hòn đảo nhỏ ít nhất là trong những năm tới. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai quốc gia có thể được duy trì trong thời gian dài. Tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku, trực tiếp hoặc gián tiếp đang kích động ra một cuộc chạy đua vũ trang càng ngày càng mạnh trong khu vực.

Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán về vấn đề tranh chấp quần đảo. Trên thực tế, trong năm qua không có tiến bộ nào trong giải quyết bằng phương pháp ngoại giao các xung đột xung quanh quần đảo Senkaku. Ngược lại, hai bên tiếp tục thử thách nhau bằng sức mạnh: vùng biển của quần đảo đang tranh chấp thường xuyên xuất hiện các tàu tuần tra của Trung Quốc và Nhật Bản. Cách đây không lâu Trung Quốc một lần nữa lại thể hiện quan điểm sức mạnh của mình bằng việc cử một số tàu Cảnh sát biển vào vùng nước Senkaku. Sau đó, các hãng tin Nhật Bản cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập đại sứ Trung Quốc đến Tokyo yêu cầu một lời giải thích bởi sự xuất hiện trên vùng biển của quần đảo Senkaku những khách không mời.

Những ngày gần đây, các tàu hải cảnh và quân sự Trung Quốc lại tiến hành các hoạt động trong vùng nước của quần đảo đang tranh chấp, đẩy căng thẳng lên cao. Bộ Ngoại giao Nhật lập tức lên tiếng phản đối lần vi phạm tiếp theo của sự cố tàu Trung Quốc xâm phạm vùng nước Senkaku. Và câu chuyện chạy đua vũ trang, mua sắm vũ khí trang bị phương tiện chiến tranh lại tiếp tục bước vào vòng xoáy mới.

Trịnh Thái Bằng
Nguồn: Pravda - Nga

Theo Dịch
MỚI - NÓNG