5 vệ tinh của SpaceX được chụp tại Đan Mạch vào ngày 21/4/2020. (Ảnh: Reuters) |
Sự cố này được cho là thiệt hại lớn nhất đối với các vệ tinh trong một sự kiện địa từ và chưa từng xảy ra trước đây, nhà vật lý thiên văn học Jonathan McDowell tại trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết ngày 9/2.
Thông báo trên trang web của công ty nói rằng những vệ tinh này trục trặc từ ngày 8/2, một ngày sau khi được phóng lên quỹ đạo thấp, cách Trái đất khoảng 210km.
SpaceX cho biết họ thường xuyên đưa vệ tinh lên quỹ đạo thấp để chúng có thể rơi ngược lại Trái đất một cách nhanh chóng và an toàn nếu phát hiện sự cố.
Tuy nhiên, SpaceX không lường trước được sự khắc nghiệt của thời tiết trong môi trường vũ trụ, nhất là bão mặt trời xảy ra khi họ vừa phóng lô 49 vệ tinh mới nhất.
Vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 từ trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida hôm 3/2 trùng hợp với một đợt bão địa từ từ ngày 2-3/2 mà Trung tâm dự báo thời tiết vũ trụ của Mỹ dự báo.
Theo SpaceX, tốc độ và tính nghiêm trọng của bão Mặt trời đã làm tăng mạnh mật độ khí quyển ở quỹ đạo thấp, tạo ra lực ma sát hoặc lực cản lớn khiến 40 vệ tinh trục trặc.
Đội điều hành Starlink đã cố chuyển vệ tinh về chế độ an toàn, giúp chúng bay ngang để giảm bớt lực cản, nhưng nỗ lực đó không thể cứu hầu hết số vệ tinh, khiến chúng rơi xuống tầng thấp hơn của khí quyển rồi bị đốt cháy trong quá trình tái nhập, SpaceX cho biết.
Theo ông McDowell, hoạt động bão Mặt trời sẽ gia tăng trong 5 năm tới, khi mặt trời đạt đỉnh trong chu kỳ hoạt động 10 năm.
Hãng SpaceX do tỷ phú Elon Musk sáng lập đã phóng vài trăm vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo từ năm 2019 để tạo thành mạng internet băng thông rộng Starlink. Trong tweet đăng ngày 15/1, Musk nói rằng mạng này gồm 1.469 vệ tinh, trong đó 272 vệ tinh đang di chuyển đến quỹ đạo hoạt động.
SpaceX cho biết mục tiêu của họ là tạo nên chòm vệ tinh gồm khoảng 30.000 chiếc, nhiều hơn đáng kể so với mục tiêu 12.000 ban đầu.