Bạo lực và phi lý

Bạo lực và phi lý
TP - “Xem đến cuối phim, cái đọng lại trong tôi chỉ gói gọn trong hai chữ: Bạo lực”, một nghệ sỹ tên tuổi nhận xét về bộ phim Lấy chồng người ta của đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh vừa được công chiếu trên toàn quốc từ 21-9.

> 'Lấy chồng người ta' có làm nên chuyện?

Huy Khánh và Đinh Y Nhung trong phim Lấy chồng người ta
Huy Khánh và Đinh Y Nhung trong phim Lấy chồng người ta.

Sự trở về trắng tay của Lấy chồng người ta sau Liên hoan phim quốc tế Toronto vừa qua cho hạng mục Điện ảnh thế giới đương đại khiến một số người chưng hửng và báo chí cũng không bàn ra, tán vào nhiều vì phim chưa được trình chiếu tại Việt Nam. Cho tới khi được xem phim, khán giả không khó để tìm ra câu trả lời cho sự thất bại này.

Hao hao phim hành động Hollywood

Với cái tên Lấy chồng người ta, cộng với việc ghi cảnh báo trong giấy mời: Phim cấm khán giả dưới 16 tuổi khiến người ta dễ liên tưởng tới các cảnh nóng trong phim.

Thực tế, để mô tả cảnh cặp vợ chồng trẻ đang khao khát có một đứa con, cộng với việc cô vợ đi ngoại tình để có con vì người chồng vô sinh, bộ phim cũng có một số cảnh giường chiếu, nhưng cũng chẳng nóng như mọi người nghĩ.

Nhiều người tò mò nghĩ, không biết, những cảnh nóng có bị cắt bớt trong quá trình kiểm duyệt không...

Vậy là, bộ phim cấm khán giả dưới 16 tuổi không phải vì cảnh nóng, mà vì nó nóng ở cảnh bạo lực. Mấy khán giả trẻ ngồi cạnh tôi đều rú rít lên vì sợ mỗi khi có cảnh đánh đấm.

Còn một diễn viên gạo cội thì nhận xét: “Mỗi bộ phim thường đem đến cho người xem một thông điệp nào đó khi xem hết bộ phim. Vậy mà xem đến cuối phim này, cái đọng lại trong tôi chỉ gói gọn trong hai chữ: Bạo lực”.

Có thể nói, nửa sau bộ phim là các cảnh đấm đá bạo lực, không chỉ giữa hai người đàn ông tranh giành nhau đứa con, mà cả những cảnh hành hạ của Linh (Thái Hòa đóng) dành cho Lụa (Đinh Y Nhung đóng) sau khi cô không cho anh ta nhận con.

Ba diễn viên chính Thái Hòa, Huy Khánh, Đinh Y Nhung (từ trái sang) tại lễ ra mắt bộ phim Lấy chồng người ta tại Hà Nội. Ảnh: L.A
Ba diễn viên chính Thái Hòa, Huy Khánh, Đinh Y Nhung (từ trái sang) tại lễ ra mắt bộ phim Lấy chồng người ta tại Hà Nội. Ảnh: L.A.

Cảnh Linh dùng thanh gỗ đập vào đầu Khánh (Huy Khánh đóng) đến ngất xỉu, rồi màn quần thảo giữa hai người khiến Khánh máu me be bét, ngực rách toạc, còn Linh hộc máu mồm... là những cảnh hao hao phim bạo lực của Hollywood.

Để mô tả sự vũ phu và khao khát được đòi quyền làm cha, Linh, người đàn ông vùng sông nước nghiện rượu, làm nghề bán vé số dạo, đã chặn đánh Lụa ở chợ khiến cô mặt mày bầm dập, rồi lôi cô xềnh xệch trên nền gạch đá lổn nhổn... Hình ảnh ghê rợn này khiến người xem thấy sợ hãi hơn là thương cảm.

Chính những cảnh bạo lực bị lạm dụng như vậy khiến nội dung đạo diễn muốn chuyển tới khán giả- sự hy sinh của người vợ để đem lại hạnh phúc cho người chồng trở nên nhạt nhòa.

Một nội dung nhân văn của người Việt được diễn tả theo cách bạo lực của Hollywood khiến bộ phim không có cái riêng, cái hồn cốt của phim Việt.

Tâm lý không thuần Việt

Xem xong bộ phim, một số người thắc mắc: Phải chăng, hai người đàn ông tranh giành con thì cứ phải đấm đá như thế? Rõ ràng, cái cách giành giật con của người Việt, dù người ở vùng sông nước tính cách có phần hoang dã, cũng không đến nỗi thô bạo như vậy và cũng không theo cách phi lý như vậy.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Đây là một bộ phim hay”

Nhà lý luận phê bình điện ảnh Vũ Ngọc Thanh, Phó tổng biên tập Tạp chí Điện ảnh-Kịch trường: Bộ phim mang thông điệp tốt về thân phận con người, tuy nhiên việc sử dụng bạo lực quá mạnh tay lại tạo nên sự phản cảm. Cấu trúc bộ phim đan xen giữa hiện tại và quá khứ hơi rối khiến người xem khó hiểu. Lấy chồng người ta không xúc động bằng Áo lụa Hà Đông và hình ảnh không đẹp bằng Huyền thoại bất tử.

Dường như, đạo diễn đã quá khiên cưỡng khi đưa cách giải quyết vấn đề như vậy vào phim. Tất nhiên, trong phim ảnh, người ta có thể hư cấu, có thể làm cho nút thắt câu chuyện lên đến đỉnh điểm, nhưng cách xử lý cảnh bạo lực không mấy ép-phê.

Sự khiên cưỡng còn được thể hiện ở chi tiết khi Linh đánh cho Khánh đến ngất xỉu trên sàn nhà, trong cơn say, hắn lại vớ được cuốn sách Dạy con nên người đang vứt lăn lóc quanh đó, rồi lảm nhảm đọc một câu triết lý trong đó như một sự biện minh cho mình.

Rồi để đòi được quyền làm cha, Linh đã hạ nhục Lụa bằng cách đánh cô thâm tím mặt mày. Chưa hết, hắn còn thuê một gái làng chơi đánh ghen để làm nhục cô giữa chợ.

Ngay cả Lụa trong phim cũng đã hỏi Linh: Anh yêu con, tại sao không yêu mẹ nó? Anh hành hạ tôi như thế đã đủ chưa?

Có thể nói, chuyện phim xoay quanh ba nhân vật với lối kể chuyện khá đơn giản, nếu không muốn nói là đơn điệu.

Sau nhiều lần cố gắng mà vẫn không có con, Lụa đã tìm đến bệnh viện xin được thụ tinh nhân tạo, nhưng vì không biết chờ đến bao giờ mới có được người cho tinh trùng, cô đã tìm đến Linh, người bạn của chồng mình để xin một đứa con với điều kiện anh ta phải giữ kín chuyện này.

Diễn biến phim đều đều với nhiều chi tiết phi lý. Như chi tiết, khi Lụa có con, Linh kéo cả ngôi nhà nổi của mình đến ở ngay cạnh nhà Khánh để hai người có cơ hội được gặp nhau và được gặp con mà Khánh không hề biết gì cũng như nghi ngờ điều gì, cho đến ngày Linh sang nhà tuyên bố: Trả lại con cho tao.

Rồi người chồng khi chăm sóc vợ bị đánh mà chẳng thấy có vẻ gì bức xúc, mà chỉ ướm hỏi một câu: Hay là ta đi báo công an? Khi vợ bảo thôi là thôi luôn.

Đấy là chưa kể với lối sống quần cư của người Việt, khi hai người đánh nhau, thế nào chả có hàng xóm, láng giềng sang can ngăn. Đằng này, tất cả âm thầm cứ như là họ đang ở vùng hoang vu.

Hơn nữa, cách kể chuyện theo lối hiện tại và quá khứ đan xen được thể hiện không rõ ràng như đánh đố khán giả.

Dù sao, dàn diễn viên đóng khá tốt, Thái Hòa đã thoát khỏi vai đồng tính trong Để mai tính và diễn xuất khá tốt trong vai người đàn ông nghiện ngập bị vợ con bỏ đi, rồi lại điên cuồng đòi con từ người đàn bà hàng xóm, vợ của bạn mình.

Huy Khánh chèo thuyền trên sông nuột như những người đàn ông sông nước, song vẫn có nhiều đoạn hơi cứng. Đinh Y Nhung lột xác khỏi những vai cô gái thị thành đài các để nhập khá tốt vai người đàn bà sông nước cam chịu, dám hy sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.