Báo in đang 'chết nhanh' hơn chúng ta nghĩ, dù kinh tế ổn định

Không ai lấy làm ngạc nhiên khi biết ngành báo chí đang suy giảm về mặt cấu trúc. Nhưng những con số doanh thu mới nhất đã kể một câu chuyện đáng sợ, theo đó doanh số quảng cáo trên báo in đang sụt giảm nghiêm trọng ngay cả trong bối cảnh kinh tế nhìn chung là ổn định​.

Theo trang Vox, điều này có nghĩa là mọi chuyện sẽ trở nên tệ hơn rất nhiều khi cuộc suy thoái tiếp theo xảy đến, và nhiều tòa báo có thể sẽ buộc phải đóng cửa.

Quảng cáo là một ngành kinh doanh có tính chu kỳ. Doanh thu có xu hướng đi lên trong thời gian bùng nổ kinh tế và sau đó suy giảm trong thời kỳ suy thoái.

Vì vậy, khi doanh thu quảng cáo trên báo giảm mạnh trong năm 2008 và 2009, nhiều tòa báo đã hy vọng đây chỉ là một bước lùi tạm thời, và họ sẽ lấy lại được những gì đã mất khi nền kinh tế hồi phục.

Thế nhưng trong suốt 6 năm qua, điều ngược lại đã xảy ra. Doanh thu quảng cáo trên báo chí tiếp tục sụt giảm bất chấp những sự bùng nổ của nền kinh tế. Những con số mới nhất từ ​​một số tờ báo lớn cho thấy một câu chuyện ảm đạm:

Quảng cáo trên báo New York Times đã giảm 19% trong quý 3. Ở báo Gannett, con số sụt giảm là 15%, Postmedia là 21%, và McClatchy là 17%. (Theo Joshua Benton ngày 2/11​/2016).

Thứ Tư vừa qua, Wall Street Journal đã thông báo rằng một số mục trên tờ báo này sẽ được hợp nhất để đối phó với suy giảm doanh thu quảng cáo.

Tình hình còn ảm đạm hơn ở những tòa báo nhỏ. Ví dụ, tờ Ithaca Journal ở phía Bắc New York đã thông báo sẽ cắt giảm nhân lực, biến tờ báo từng có tới 20 nhân viên chỉ còn 2 phóng viên làm việc toàn thời gian.

Báo in đang 'chết nhanh' hơn chúng ta nghĩ, dù kinh tế ổn định ảnh 1

Những tờ báo in hàng đầu của Mỹ. (Nguồn: vox.com)

Báo in đang ngày càng xuống dốc

Doanh thu từ báo in đang tụt dốc không phanh bởi hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là lý do nhân khẩu học. Người cao tuổi ở Mỹ là những độc giả trung thành nhất của báo in, trong khi những người sinh từ sau năm 1980 trở đi thì không đặt báo in.

Vì vậy, mỗi năm, có vài triệu độc giả của báo in qua đời mà không được thay thế bởi một lứa độc giả mới.

Đồng thời, thị trường quảng cáo ngày càng cạnh tranh khiến các tờ báo thêm khó khăn trong việc ra giá dịch vụ.

Trong thập niên 1990, nhiều thành phố chỉ có một tờ báo lớn, và tờ báo đó thường là cách tốt nhất để các doanh nghiệp địa phương tiếp cận khách hàng. Vì thế các tờ báo có thể tính phí trội lên cho quảng cáo.

Lợi thế này vẫn còn được phản ánh một phần trong phí quảng cáo ngày nay, như nhà đầu tư mạo hiểm Mary Meeker đã chỉ ra: Trong năm 2015, báo in chỉ chiếm 4% thời gian đọc tin tức của độc giả, nhưng lại chiếm tới 16% doanh thu quảng cáo. Ngược lại, điện thoại di động chiếm tới một phần tư thời gian của mọi người, nhưng lại chỉ chiếm khoảng một phần tám doanh thu quảng cáo.

Tình trạng này không thể kéo dài. Theo thời gian, các nhà quảng cáo sẽ nhận ra rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhờ quảng cáo trên các nền tảng truyền thông mới. Và như vậy, doanh thu quảng cáo của báo in sẽ có xu hướng giảm mạnh hơn cả số lượng độc giả.

Những tờ báo lớn đang phát triển mạnh ở mảng trực tuyến. Còn những tờ báo nhỏ thì lại đang phải vật lộn.

Báo in đang 'chết nhanh' hơn chúng ta nghĩ, dù kinh tế ổn định ảnh 2

Đương nhiên, những người điều hành các tòa báo đã biết thách thức này sẽ đến từ một thập kỷ trước, và tất cả đều biết rằng chuyển đổi sang Internet là bước đi thiết yếu cho sự sống còn trong dài hạn của họ.

Hầu như tất cả các tờ báo hàng ngày đều đang cố gắng biến trang web của mình thành một phương tiện kinh doanh khả thi có thể phát triển mạnh trong thế giới hậu báo in.

Các tờ báo có danh tiếng, như New York Times, Wall Street Journal hay Washington Post đã dễ dàng thực hiện được điều đó. Ba tờ báo này đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng toàn quốc từ trước cả khi Internet xuất hiện. Vì thế, Internet đã giúp mở rộng hơn lượng độc giả của các tờ báo này.

Vào đầu thập niên 1990, Washington Post là một tờ nhật báo địa phương mang tin tức cho người dân tại thủ đô. Người dân cả nước biết về tờ báo nhờ loạt bài về vụ bê bối Watergate và các vụ điều tra quan chức cấp cao khác, nhưng gần như không có ai sống ở những nơi khác ngoài Washington lại đọc tờ báo này hàng ngày.

Hiện tại, ngược lại, Washington Post là hãng truyền thông quốc gia, với những tin tức được người dân cả nước tìm đọc. So với 20 năm trước, ngày càng có nhiều người đọc ít nhất một tin tức từ Washington Post trong ngày.

Internet thậm chí còn ưu ái tờ New York Times và Wall Street Journal hơn. Danh tiếng của hai tờ báo này về tin tức tổng hợp và tin kinh tế đã thu hút hàng trăm nghìn người sẵn sàng trả phí đăng ký theo dõi phiên bản web của chúng.

New York Times hiện có tới 1,3 triệu người chỉ đăng ký theo dõi trực tuyến - và đương nhiên, tờ báo này không phải thuê ai đi đưa báo đến cổng nhà độc giả mỗi sáng nữa.

Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, lợi nhuận của những tờ báo nổi tiếng chính là thiệt hai của những tờ báo nhỏ hơn. Người dân ở Cleveland, Dallas hay San Diego không chỉ ngừng đặt báo địa phương, mà nhiều người còn đọc tin tức trực tuyến từ các tổ chức tin tức quốc gia thay vì trang web của cac tờ báo địa phương.

Những tờ báo này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các tin tức về địa phương, nhưng bản thân hoạt động này không đủ khả năng để trang trải những chi phí vận hành tòa báo thường có tới hàng trăm nhân viên.

Vì vậy, những tờ báo nhỏ phải liên tiếp cắt giảm nhân sự và rơi vào vòng luẩn quẩn không có lối thoát. Và nguy cơ ở đây là, những tờ báo in hàng ngày có tổng chi phí rất cao, tức là sẽ có sự giảm sút về lượng độc giả, và tới một lúc nào đó việc phát hành báo in sẽ không còn hợp lý nữa.

Đương nhiên không thể nói chính xác khi nào chuyện này sẽ xảy ra, và nó sẽ xảy ra ở những thời điểm khác nhau, ở những nơi khác nhau.

Nhưng thực tế rằng ngành công nghiệp báo chí đang tiếp tục nhìn thấy những sự sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế khởi sắc có nghĩa là những tờ báo in sẽ có nguy cơ phải chịu sự sụt giảm còn khủng khiếp hơn khi có sự suy thoái lớn về kinh tế.

Quảng cáo là một ngành kinh doanh theo chu kỳ; những tờ báo thường mất doanh thu quảng cáo trong thời kỳ suy thoái và thu lời lại khi kinh tế phục hồi.

Đợt suy thoái kinh tế gần đây nghiêm trọng một cách bất thường, và sự phục hồi hiện tại không mang lại cú hích mà các tờ báo in đang hy vọng.

Vì vậy, đợt suy thoái tiếp theo nhiều khả năng sẽ tồi tệ ngang đợt suy thoái vừa rồi - có thể sẽ tồi tệ đến mức nhiều tờ báo sẽ không có cơ hội sống sót./.

Theo Theo Vietnam Plus
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.