Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Dự thảo mới quy định hai phương án hình thức sở hữu: Phương án 1 bao gồm, sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2: sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chính phủ nhất trí theo phương án 1.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự thảo cần làm nổi bật nguyên tắc nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tư nhân (thuộc hình thức sở hữu riêng). Hiến pháp sửa đổi quy định mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Do vậy, dự thảo luật cần khẳng định rõ nguyên tắc này trong các quy định liên quan đến sở hữu.
Để lấy ý kiến hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho rằng, Bộ luật quy định rất rộng, cần xác định trọng tâm lấy ý kiến phải là những nội dung gần gũi, sát với nhân dân. Với những ý kiến góp ý có chất lượng, tâm huyết, cần áp dụng cơ chế trả nhuận bút cho người dân và cần bố trí kinh phí cho nội dung này.
Thay mặt Chính phủ, Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân ở trong nước, kiều bào nước ngoài. Các ý kiến đóng góp trực tiếp cho Bộ Tư pháp gửi theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn. Mặt trận Tổ quốc cũng là kênh riêng để thu thập ý kiến nhân dân và cuối cùng thu về một đầu mối Chính phủ.
* Cùng ngày, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh về Cảnh sát môi trường. Đây là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân, thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.