Báo động tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ em

Nestle Việt Nam phát triển các hoạt động thể thao học đường
Nestle Việt Nam phát triển các hoạt động thể thao học đường
Tại buổi hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống béo phì – suy dinh dưỡng” vừa tổ chức mới đây tại TPHCM, bà Lê Thị Hoàng Yến – Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị Nestlé Việt Nam cho biết, trong 3 thập niên số lượng trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp đôi.

Theo bà Hoàng Yến, hiện trên thế giới có 1,9 tỷ người lớn thừa cân, béo phì, trong đó hơn 600 triệu người ở mức béo phì. Trẻ em và phụ nữ là các đối tượng mắc phải tình trạng thừa cân, béo phì nặng nề nhất. Trong đó, Việt Nam cũng phải gặp phải tình trạng tương tự. Kết quả nghiên cứu năm 2014 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân béo phì ở HN và TPHCM là 42% ở lứa tuổi trẻ cấp 1, sau 2 năm con số này tăng lên 48%. “Nếu không giải quyết tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em, dân số Việt Nam chưa thoát khỏi suy dinh dưỡng đã phải đối mặt với béo phì” – bà Yến khuyến cáo. 

Thực tế, thừa cân, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TPHCM đã gia tăng gấp ba lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% lên 11,5%; ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi, từ 11,6% lên 21,9%. Béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành.

Một số nghiên cứu cho thấy, tại tám thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy, trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.

Mục tiêu của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là khống chế tỷ lệ trẻ béo phì dưới 5%, và không có tỉnh nào vượt quá 10%, nhưng đến thời điểm này, mục tiêu đó đã bị phá vỡ. 

Báo động tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ em ảnh 1

Trại hè năng lượng được Nestle VN tổ chức thường niên

Trẻ thừa cân béo phì đang nỗi lo ngại ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, xu hướng này tăng rất nhanh. Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay chưa có châu lục hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự tăng lên của tỷ lệ thừa cân, béo phì.

TS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu giả u não cơ học, chứng ngưng thở khi ngủ… “Nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là do tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng. Xu hướng gia tăng trẻ em thừa cân, béo phì trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga… Đây là những loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng chất béo cao cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động” – TS Từ Ngữ cho biết.

Báo động tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ em ảnh 2

Milo - Hành trình năng lượng xanh

Do đó, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi trong phòng chống béo phì trẻ em là đưa ra các mô hình khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục - thể thao cho các trường học. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực (thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày); giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới hai tuổi không xem tivi; trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Thay đổi hành vi: khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu, ngủ: 0-5 tuổi (ngủ đủ 11 giờ/ngày), 5-10 tuổi (10 giờ/ngày), trên 10 tuổi (ngủ đủ 9 giờ/ngày)…

MỚI - NÓNG