​Báo động tai nạn thương tích trong trường học: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

​Báo động tai nạn thương tích trong trường học: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
TP - Ngoài những trường hợp tai nạn bất khả kháng hay lỗi thuộc về học sinh, vẫn xảy ra tai nạn chết người do đổ cổng trường, sập trần nhà, điện giật... Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nhà trường và các nhà quản lý cần kiểm soát chất lượng các công trình, đừng để mất bò mới lo làm chuồng.
​Báo động tai nạn thương tích trong trường học: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng ảnh 1

Trường THCS Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Ngọc Châu.

Nhấp nhổm không yên

Chị Nguyễn Thị Kim Lan, có hai con đang học mẫu giáo và tiểu học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Chị Lan chia sẻ nỗi lo lắng khi gần đây đọc báo biết nhiều học sinh bị nạn ngay trong trường học. Theo chị Lan, dù nhà ở gần trường nhưng cả hai con đều theo học bán trú cả ngày trên lớp. Sáng bố hoặc mẹ đưa con đến trường, 5 giờ chiều ông bà mới đến đón về. Như vậy, gần như cả ngày việc con ăn, ngủ, sinh hoạt đều trên lớp và gia đình chỉ biết phó thác sinh mạng, sức khỏe cho cô giáo.

Thế nhưng, chị Lan kể, có lần chị đang làm việc thì cô giáo gọi về thông báo con bị ngã. Khi chị về đến nơi thấy trên mặt con có vết xước dài, rớm máu. Cô giáo cho biết, con chạy vấp vào tủ đồ chơi bị ngã. Tối đó, một bên má của con bị sưng và thâm. Phải mất gần một tuần, vết thâm đen trên mặt con mới hết.

Anh Nguyễn Tuấn Vũ, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có con học lớp 8 Trường THCS Đại Kim chia sẻ, dù đưa con đến trường, nơi rất an toàn nhưng anh vẫn thấy lo lắng, bởi con trai ở nhà rất hiếu động. “Con trai ở nhà thích nhảy lên bàn ghế, thích leo trèo, khám phá vì thế khi đến trường rất dễ gặp nạn”, anh Vũ nói. Vì thế, anh Vũ mong ở trường học thầy cô rà soát thường xuyên các nguy cơ trẻ dễ gặp phải như: đường dây điện, quạt, cửa sổ có khung, ban công hành lang cao. “Đặc biệt, thầy cô giáo cần nhắc nhở thường xuyên và kỷ luật nghiêm những học sinh vi phạm nội quy để các bạn khác biết sợ”, anh nói.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trường có hơn 1.500 học sinh. Học sinh nhiều em rất nghịch ngợm, vì thế người quản lý không thể không lo lắng đến sự an toàn của các em. Vì thế, ngoài những buổi sinh hoạt ngoại khóa dạy học sinh cách phòng chống các tai nạn về điện, an toàn giao thông, đuối nước… trường còn đưa ra nhiều biện pháp khác. Cô Huyền ví dụ, giờ học sinh ra chơi, nhiều thầy cô trong tổ chức Đoàn cũng không được về phòng hội đồng nghỉ mà thường xuyên đi một tua quanh các dãy nhà để nhắc nhở kịp thời những học sinh hiếu động, trêu chọc nhau. Cuối buổi, bảo vệ và một số giáo viên cũng phải đi hết các phòng, nhà vệ sinh quan sát một lượt mới đóng cửa.

Cũng theo cô Huyền, cơ sở vật chất tại trường học, hiệu trưởng phải là người rà soát và nắm rõ tình hình nhất. Ngoài ra, quận cũng có bộ phận thường xuyên kiểm tra, rà soát các hạng mục để nếu có gì bất thường sẽ sửa chữa ngay cho học sinh sử dụng.

​Báo động tai nạn thương tích trong trường học: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng ảnh 2

Sập trần lớp học Trường Tiểu học Thạnh Quới A (Vĩnh Long).

Trường đổ vì… chờ kinh phí?

Ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông Hà Nội cho biết, ngày 13/10 vừa qua, một mảng vữa của Trường THPT Trần Nhân Tông rơi xuống trong lớp ngay bục giảng, chỗ giáo viên hay đứng giảng bài. “May mắn làm sao, mảng tường rơi đúng ngày trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức nên hôm đó giáo viên không đứng lớp, nếu không tai nạn đã xảy ra”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, năm học 2016-2017 trường đã đề xuất Sở GD&ĐT, chính quyền xin kinh phí xây lại một số lớp học và nhà hiệu bộ vì có tòa nhà được xây cách đây 50-60 năm đã xuống cấp, thấm dột nhiều nơi. “Đơn đề xuất đã được duyệt nhưng trường hiện vẫn đang chờ kinh phí”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Hòa, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, theo phân cấp quản lý, Sở GD&ĐT quản lý cơ sở vật chất hệ thống trường THPT và các trường trực thuộc sở. Riêng các trường THCS, tiểu học, mầm non thuộc quản lý của quận, huyện. Vì vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT giao cho các hiệu trưởng có trách nhiệm thẩm định, nếu thấy cơ sở vật chất xuống cấp, có nguy cơ hỏng hóc phải báo cáo lên sở, xin kinh phí tu bổ. Còn các công trình trường học xây mới, sau khi hoàn thành, Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiệm thu rồi mới bàn giao cho các trường sử dụng.

Ông Hòa cho biết, riêng trong khối THPT và các trường trực thuộc sở hiện cũng có nhiều trường đã xuống cấp. Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đề xuất xin kinh phí sửa chữa, nâng cấp 36 trường nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Các hạng mục cần được nâng cấp hiện nay như: mái, cửa bục mọt, tường nứt thấm, nhà vệ sinh xuống cấp… Năm học 2017-2018, đơn vị tiếp tục đề xuất xin kinh phí sửa chữa cho 40 trường vẫn đang chờ.

Trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm bà Nguyễn Thị Hương cho biết, đầu năm học, phòng có văn vản chỉ đạo các trường triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích. “Nhiều trường ngoài dạy lồng ghép trong môn giáo dục công dân còn tổ chức cả lớp dạy kỹ năng cho học sinh”, bà Hương nói.

Riêng về chất lượng công trình, các hạng mục có tiềm ẩn các nguy cơ hay không lại do các đoàn kiểm tra của quận kiểm tra, đánh giá và có hướng xử lý. Bà Hương cho biết, ngay trước khi học sinh lớp 8, Trường THCS Đoàn Thị Điểm bị ngã rơi xuống đất, bị gãy tay, gãy xương đùi thì đoàn kiểm tra liên ngành của quận cũng đang tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất các trường trên địa bàn.

Ngay như tại tỉnh Quảng Ninh, đầu năm 2017 có hai học sinh của Trường THCS Trần Quốc Toản và THPT Hòn Gai bị ngã từ tầng cao xuống đất tử vong. Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, ngay sau vụ việc, sở có văn bản chỉ đạo tất cả các trường rà soát lại cơ sở vật chất. Hạng mục nào có nguy cơ đều phải được tu bổ, sửa chữa. Cụ thể như các lan can, ban công phải đạt chiều cao đảm bảo an toàn. Sau đó, đồng loạt các trường đã nâng chiều cao lan can, đi lại đường điện, sửa chữa hệ thống quạt trong phòng học…đồng thời dạy kỹ năng cho học sinh phòng tránh tai nạn thương tích.

Ngày 12/10, ông Chữ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh trường học. Đặc biệt, trong công văn, Sở GD&ĐT Hà Nội còn khuyến khích các trường lắp hệ thống camera kết nối với công an phường, xã để kiểm tra, rà soát an toàn, an ninh, phòng chống xâm hại, an toàn giao thông trong trường học.

Theo một chuyên gia tâm lý giáo dục, lứa tuổi học sinh thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa đủ kiến thức, kỹ năng để phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Các tai nạn học sinh thường gặp phải là: bị bỏng, đuối nước, điện giật, bị ngã, ngộ độc…Vì vậy, ngoài việc dạy cho trẻ kiến thức, kỹ năng phòng tránh thì việc đầu tiên là các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất không có nguy cơ gây ra tai nạn. “Có nhiều nơi trần ngấm dột, cửa bung bục, dây điện thòng lòng vẫn không được sửa chữa”, vị này nói. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.