Báo động mỡ máu ở học sinh tiểu học

Báo động mỡ máu ở học sinh tiểu học
TP - Theo công bố của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM qua 5 năm thực hiện dự án dinh dưỡng học đường, có hơn 38% học sinh ở TPHCM dư cân - béo phì, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000.

> Trẻ dậy sớm ít bị béo phì
> Mẹ thừa cân sinh con béo

60% học sinh tiểu học bị mỡ máu

Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì, mỡ máu ngày càng gia tăng, trong đó tỷ lệ học sinh ăn thiếu rau xanh và I ốt cũng báo động.

Theo bà Xuân Hồng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dương Minh Châu, quận 10, điều tra 1.500 học sinh học bán trú tại trường này, cho thấy có 130 học sinh béo phì thừa cân. Tuy tỷ lệ béo phì giảm từ 15% (2008) xuống còn 8 - 8,5% (2011) nhưng 50% kết quả xét nghiệm bị mỡ máu. Tương tự, tại trường tiểu học Triệu Thị Trinh, ở quận 10 cũng có đến 60% học sinh có mỡ trong máu cao hơn mức bình thường.

Không chỉ ở hai trường tiểu học trên, theo đại diện Trung tâm dinh dưỡng TPHCM tình trạng học sinh dư cân - béo phì ngày càng gia tăng mạnh khi không được can thiệp dinh dưỡng hợp lý. Năm 2002, khoảng 19,8% học sinh tiểu học ở TPHCM bị dư cân - béo phì, năm 2010 tăng gấp đôi lên 38,5%. Trong đó, 21% học sinh tiểu học dư cân và 17,1% béo phì. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, nguy cơ bệnh tật về tiểu đường, tim mạch do béo phì khiến một bộ phận học sinh không đủ thể chất để học tập tốt.

Bác sĩ Tăng Kim Hồng- Khoa Dinh dưỡng thuộc trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết so với cách đây 5 năm, hiện tỷ lệ học sinh thừa cân tăng gấp đôi và béo phì tăng gấp ba.

Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, năm 2003, có 25,5% học sinh TPHCM thiếu i-ốt thể nhẹ thì năm 2009 tăng lên 33,3%, chủ yếu ở học sinh tiểu học. Mặc dù được can thiệp nhưng hiện vẫn còn khoảng 15,3% học sinh tiểu học thiếu i-ốt thể vừa và 2,6% thiếu i-ốt thể nặng. Hiện học sinh ở TPHCM đang ở dưới chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Nữ sinh 17 tuổi tại TPHCM chỉ đạt chiều cao khoảng 1,55m, trong khi theo WHO phải đạt chiều cao 1,65m. Đối với học sinh nam theo tiêu chuẩn của WHO là 1,75m khi học sinh lứa tuổi ở TPHCM mới đạt trung bình 1,67m.

Thiếu vận động

Mặc dù số học sinh tiểu học dư cân, béo phì tăng nhưng hầu hết các trường vẫn chưa có khẩu phần ăn riêng cho nhóm học sinh này. Ngoài ra, chế độ khuyến khích học sinh vận động cũng rất hạn chế. Nghiên cứu cho thấy ở trường tiểu học Dương Minh Châu hơn 46% học sinh cho biết không hoặc rất ít vận động trong ngày. Hiệu trưởng Xuân Hồng cho biết: “Thiếu sân chơi, khuôn viên nhà trường không có nên giờ ra chơi học sinh không có chỗ sinh hoạt. Đa số học sinh vì thế thích ngồi chơi game hay đọc sách”. Theo bác sĩ Diệp khoảng 60% học sinh cấp hai ở các trường trên địa bàn cũng ngồi yên không vận động trong ngày, số còn lại có vận động nhưng rất ít.

Bác sĩ Tăng Kim Hồng và bác sĩ Trần Thị Hồng Hạnh thì cho rằng, thời gian học thêm của học sinh quá nhiều nên không còn thời gian để vận động. Học sinh càng học thêm thì nguy cơ béo phì càng cao. Ngoài ra, tâm lý phụ huynh lo lắng con thiếu cân nên cho con ăn uống nhồi nhét, trong khi lại thiếu quan tâm đến hoạt động thể chất làm cho trẻ dễ phát phì. Đặc biệt nhóm trẻ béo phì thường ở các gia đình khá giả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.